Trạm thu phí BOT: Bức xúc của dân và trách nhiệm của Bộ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ Phú Thọ, Thái Bình, Nghệ An cho đến Tiền Giang, sự bức xúc của người dân đối với các dự án BOT đang ngày một gia tăng.

 Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không sớm có biện pháp hạ nhiệt, sức nóng từ các trạm thu phí BOT sẽ trở thành đám cháy lan khó kiểm soát.
Vấn đề ngày càng nghiêm trọng
Sau nửa tháng đi vào hoạt động, ngày 15/8, trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã hoàn toàn tê liệt dưới sức ép của người dân. Toàn bộ nhân viên thu phí buộc phải rút lui, trạm xả cửa chưa biết khi nào thu phí trở lại.
Nguyên do là 2 tuần qua, nhiều tài xế đã bỏ tiền lẻ vào chai nhựa để trả phí BOT, hoặc cố ý đưa từng tờ tiền cho nhân viên thu phí đếm, nhằm kéo dài thời gian khi qua trạm. Hành động này đã dẫn đến cảnh ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông và trật tự, an ninh khu vực. Điều đáng lo ngại, đây không phải trạm thu phí đầu tiên vấp phải phản ứng dữ dội, có phần oái oăm của người dân địa phương. Điển hình là tháng 4 vừa qua, trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy (Nghệ An) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Khác chăng là tại Bến Thủy, các tài xế chỉ trả phí bằng tiền lẻ nhúng nước chứ chưa… cho vào chai nhựa hay đưa từng tờ.

Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ở nhiều địa phương khác như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ… xe lớn, xe nhỏ đua nhau né trạm thu phí BOT, len lỏi vào đường làng, đường xã gây hư hỏng hạ tầng giao thông, gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông trầm trọng cho nhiều khu vực. Có thể thấy, tâm lý phản đối các trạm thu phí BOT đang dần lan rộng, biến thành những hành vi khó kiểm soát từ phía người điều khiển phương tiện; dư luận xã hội cũng theo đó mà nóng lên từng ngày. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía, nhưng đáng quan tâm nhất chính là sự bất hợp lý của nhiều trạm BOT. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhận định: “Nếu các DN đầu tư BOT làm đúng, thì không có chuyện dư luận Nhân dân bức xúc. Chính vì làm không đúng, làm BOT bằng mọi giá nên mới có chuyện”.
Cần xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT
Theo quy định, các trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km. Nhưng trong báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội, 79/88 trạm thu phí BOT có khoảng cách dưới 70km (tương đương với 90% số trạm). Cá biệt có thời điểm, những cung đường như Hà Nội - Thái Bình: 4 trạm/100km; Kiến Xương (Thái Bình): 2 trạm/200m. Nhiều trạm đặt không đúng vị trí, người dân không đi vẫn phải trả tiền, hay làm đường một nơi lại thu phí một nẻo. Có trường hợp như Chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) còn đem cả ụ bê-tông ra chặn đường lưu thông của người dân khi không thu phí được.
Bức tranh BOT còn nhiều nét tối khác khiến dư luận xã hội bức xúc. Ví như việc Chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo không đúng doanh thu, mức thực thu chênh cao so với con số trên giấy tờ. Mới đây nhất, ngày 10/8, trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa) đã phải đóng cửa vì mức phí thu được đã vượt khung dự toán ban đầu dù theo hợp đồng còn được thu tới… 20 năm nữa. Tháng 5 vừa qua, chính Bộ GTVT đã phải điều chỉnh giảm tổng thời gian thu phí của 13 dự án đến 92 năm.
Thực tế này cho thấy sự lỏng lẻo trong thẩm định và quản lý các dự án BOT của Bộ GTVT. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Những bức xúc của người dân là có cơ sở. Làm đường để phát triển kinh tế xã hội, chứ không phải làm đường để phục vụ các DN kiếm lợi một cách thái quá và nhập nhằng như vậy”. Các chuyên gia còn đưa ra quan điểm, ở đây phải xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT, cơ quan tham mưu chính cho Chính phủ trong quá trình thực hiện các dự án BOT. Không chỉ để xảy ra những sai sót khiến Nhân dân chịu thiệt, làm lợi cho DN mà Bộ GTVT còn có phần trách nhiệm trong việc đánh mất niềm tin cả ở nơi người dân lẫn DN đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Chậm là trả giá
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên chia sẻ: “Điều đáng tiếc nhất trong vụ việc trạm thu phí BOT Cai Lậy và nhiều trương hợp khác là sự chậm trễ, tắc trách của cơ quan quản lý nhà nước”. Ông Liên cho rằng, để xảy ra những vụ phản ứng thái quá như tại Bến Thủy và Cai Lậy vừa qua không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà quan trọng hơn là còn để lại những bất ổn về chính trị, xã hội. Rút kinh nghiệm từ vụ việc tại Bến Thủy, đến vụ việc tại Cai Lậy lẽ ra Bộ GTVT và chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, có những hành động quyết liệt để làm dịu tình hình như: tạm thời xả trạm; tuyên truyền giải thích cho người dân; xem xét lại mức phí và đối tượng thu phí…
Nhìn vào thực tế, trong hầu hết những vụ lùm xùm quanh các trạm thu phí BOT, phản ứng đầu tiên của Bộ GTVT hầu như vẫn là khẳng định DN có quyền thu phí hay thu phí đúng. Thế nhưng, nhiều vụ việc lại kết thúc không như cách Bộ GTVT ứng xử ban đầu. Các trạm thu phí BOT: Bến Thủy, Hạc Trì, Lương Sơn… đã phải miễn phí cho một bộ phận người dân địa phương; 1 trong 4 trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã phải đóng cửa do bất hợp lý. Dư luận đặt ra câu hỏi, cách vào cuộc, ứng xử với những rắc rối do phí BOT của Bộ GTVT có thực sự phù hợp với hoàn cảnh thực tế hay không?
Những vụ việc lùm xùm như tại trạm thu phí BOT Cai Lậy không chỉ khiến người dân thất vọng mà còn khiến cả các nhà đầu tư hoang mang, dè dặt khi rót vốn vào hạ tầng giao thông nội địa. Cái giá của sự chậm trễ đã không còn chỉ trả bằng tiền mà phải trả bằng cả niềm tin và sự ổn định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên
Giảm phí cho phương tiện qua trạm BOT Cai Lậy
Ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp giữa Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư, nhằm xử lý những bất cập tại trạm thu phí BOT Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình QL1, đoạn tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).
Bộ GTVT và các bên liên quan đã đưa ra phương án giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm. Cụ thể, xe loại 1 dưới 12 ghế ngồi, tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe vận tải khách công cộng giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 25.000 đồng/lượt. Xe loại 2 từ 12 - 30 ghế; tải trọng từ 2 - dưới 4 tấn giảm từ 50.000 đồng/lượt giảm xuống còn 35.000 đồng/lượt. Xe loại 3 từ 31 ghế ngồi trở lên; tải trọng từ 4 - dưới 10 tấn giảm từ 60.000 đồng/lượt xuống còn 40.000 đồng/lượt. Xe loại 4 có tải trọng từ 10 - dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit giảm từ 100.000 đồng/lượt xuống còn 70.000 đồng/lượt. Xe loại 5 có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit giảm từ 180.000 đồng/lượt xuống còn 140.000 đồng/lượt. Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này, dự kiến áp dụng từ ngày 21/8/2017.
Các phương tiện loại 1 và 2, không kinh doanh vận tải, của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy được giảm 100% qua trạm. Các loại phương tiện còn lại, không kinh doanh vận tải, của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại 4 xã nêu trên được giảm 50% giá dịch vụ, dự kiến thời gian áp dụng trước ngày 10/9.(Đặng Sơn)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần