Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại

Theo vov.vn
Chia sẻ Zalo

Nhà chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương và những người đồng đội, không một ai cầm súng nhưng những gì họ làm có sức mạnh còn lớn hơn cả 1 đạo quân.

Nhắc đến những nhà tình báo nổi tiếng như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo – những người mà tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới vì sự cống hiến của họ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, không thể không nhắc đến ông - người mà mỗi chiến công của các điệp viên huyền thoại ấy đều gắn bó với sự chỉ đạo mang tầm chiến lược. Đó chính là nhà tình báo Trần Quốc Hương, còn gọi là Mười Hương - Ủy viên Trung ương từ khóa IV đến khóa VI, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ông tên thật là Trần Ngọc Ban, quê ở Vụ Bản, Bình Lục, Hà Nam. Là con trai út một gia đình tư sản, tham gia cách mạng từ lúc mới 13 tuổi nhờ sự giác ngộ của người thầy Nguyễn Đức Quỳ - sau là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Được thầy Quỳ giới thiệu, ông lên Hà Nội gặp các ông Trường Chinh, Lê Toàn Thư, Hoàng Đình Tuất rồi gặp Bác Hồ và càng ý thức rõ hơn về việc tham gia cách mạng của mình.
Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt cùng với ông Nguyễn Thọ Chân vì treo cờ Việt Minh và rải truyền đơn, rồi bị giam giữ hơn một năm trước khi ra tòa án binh của Pháp. Nhưng do còn nhỏ tuổi, ông đã được trả tự do với lời cảnh báo của một mật thám Pháp: “Đừng thấy nó nhỏ tuổi mà coi thường, cộng sản đã ăn vào máu của nó rồi”.
Năm 1943, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, ông làm thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và là một trong những người chuẩn bị chu đáo cho buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 khi phụ trách vấn đề an ninh bảo vệ tại buổi lễ. Ngoài ra đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn giao cho ông Mười Hương việc tổ chức ra báo Cờ giải phóng của Đảng.
Kháng chiến bùng nổ, Trung ương lập G.L.A (Giao thông - Liên lạc - An toàn khu), đảm trách nhân khẩu báo chí, duy trì thông tin liên lạc từ Trung ương đi các chiến khu. Ông về công tác tại bộ phận này từ năm 1946 đến 1948. Năm 1949, cuộc đời ông rẽ sang một bước ngoặt mới.
Tình cờ một lần ông Trần Hiệu, Phó tổng giám đốc Nha Công an phụ trách tình báo gặp Mười Hương và lập tức nhận ra đây chính là người mà ông cần. Ông Trần Hiệu bèn xin Mười Hương về với mình và được đồng chí Trường Chinh chấp thuận.
Sau một thời gian dài đi biệt phái, lăn lộn dưới các địa phương, Mười Hương nhận được một bức điện của Trung ương với nội dung: "Về ngay Văn phòng Trung ương". Khi đó quân đội viễn chinh Pháp đã bị đánh quỵ tại mặt trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve mang lại hòa bình cho Đông Dương sắp được ký kết. Ông vội vã thu xếp công việc, lên đường trở về chiến khu Việt Bắc. Đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng gặp giao nhiệm vụ cụ thể cho Mười Hương. Đích thân Bác Hồ cũng dự cuộc gặp quan trọng này. Mười Hương gấp rút về sửa soạn chờ ngày lên đường.
Khi vào Nam, lạ nước lạ cái, nhưng ông may mắn khi gặp được ông Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Quân khu 9, từng là bạn tù với nhau trước kia. Ngoài ra, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, ông Lê Toàn Thư, cũng tỏ ra tâm đầu ý hợp khiến ông Mười Hương vững dạ. Ông bắt đầu vào công việc ngay với hai ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm. Công việc đầu tiên là mở lớp huấn luyện tình báo, học viên chủ yếu tuyển lựa trong lực lượng công an.
Với vai trò một “kiến trúc sư” của một mạng lưới tình báo, ông Mười Hương là người có tầm nhìn sâu sắc, toàn diện và tinh tế về thế mạnh, khả năng làm tình báo và phẩm chất của từng người. Trước khi vào Nam, qua giới thiệu của một cơ sở mật tin cậy tại trường dòng tên là Hoàng Minh Vân, ông Mười Hương đã xây dựng ông Vũ Ngọc Nhạ làm cơ sở. Đây là nước cờ quan trọng cho một kế hoạch dài hơi mà ông tính đến, xứng danh một nhà tình báo chiến lược.
Nhận nhiệm vụ trong Ban Địch tình Xứ ủy, với vỏ bọc là giáo viên dạy tư tại Sài Gòn, ông sau đó đã móc nối thành công với điệp viên Vũ Ngọc Nhạ để triển khai tiếp kế hoạch đã vạch. Thực hiện chỉ đạo của Mười Hương, ông Vũ Ngọc Nhạ với cái tên mới Vũ Đình Long đã chiếm được lòng tin của Giám mục Lê Hữu Từ - Giám mục giáo xứ Phát Diệm, trở thành người đại diện trong quan hệ với chính quyền họ Ngô rồi gây được ảnh hưởng trong gia đình Diệm, tạo nên những chiến công lừng lẫy trước khi bước vào tiểu thuyết “Ông cố vấn” nổi tiếng của nhà văn Hữu Mai.
Với điệp viên xuất sắc Lê Hữu Thúy (Đại tá, Anh hùng LLVTND, nguyên mẫu của nhân vật Lê Nguyên Vũ trong “Điệp viên giữa sa mạc lửa” của Nhị Hồ), ông Mười Hương khai thác triệt để sự thông minh lanh lợi, sự hiểu biết cũng như các mối quan hệ của Lê Hữu Thúy với các nhân vật chóp bu trong chính quyền Ngô Đình Diệm, tạo nên vỏ bọc vững chãi cho điệp viên này chui sâu vào hàng ngũ của địch, phục vụ các yêu cầu của cách mạng.
Khi đã chiếm trọn lòng tin của Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm, rồi chinh phục cả Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên lẫn Năm Lửa - tướng của Hòa Hảo, Lê Hữu Thúy đã thành công trong việc khơi sâu mâu thuẫn giữa các tổ chức giáo phái với chính quyền họ Ngô, buộc ông Diệm phải mất rất nhiều thời gian cùng binh lực để ổn định tình hình, tạo thời cơ cho cách mạng miền Nam có thêm thời gian và điều kiện xây dựng, củng cố lực lượng.
Với từng đường đi nước bước của chiến lược gia Mười Hương, điệp viên Phạm Ngọc Thảo đã tiếp cận Ngô Đình Diệm và bằng tài năng cá nhân, nhanh chóng được ông Diệm đặc biệt tin cẩn và trọng dụng, rồi leo cao trong chính quyền Sài Gòn. Năm 1965, Phạm Ngọc Thảo đã tiến hành đảo chính định lật đổ Nguyễn Khánh nhưng việc không thành nên bị địch sát hại.
Nhìn thấy khả năng thiên phú của ông Phạm Xuân Ẩn, từ rất sớm, ông Mười Hương cùng ông Mai Chí Thọ quyết định đưa Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nghề báo để về nước phục vụ cách mạng vì thấy Phạm Xuân Ẩn có khiếu hài hước, dễ hòa nhập với tính cách người phương Tây. Kế hoạch được thực hiện trọn vẹn khi với vỏ bọc này, nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn đã có cơ hội diện kiến nhiều nhân vật quan trọng của cả Mỹ lẫn chính quyền Sài Gòn, để khai thác và chuyển về hậu cứ những thông tin có giá trị về các chiến lược đặc biệt của kẻ thù, giúp quân ta có kế hoạch đối phó và đập tan mọi âm mưu của địch.
Chiến công của người thầy tình báo Mười Hương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vô cùng to lớn khi ông đã chỉ huy mạng lưới tình báo làm tê liệt hệ thống chỉ huy chiến lược của chính quyền VNCH, góp phần giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn, đỡ tốn xương máu đồng bào và chiến sĩ.
Ông kể: “Lúc còn sống, đồng chí Lê Đức Thọ và một cán bộ tình báo đã gặp Dương Văn Minh để hỏi thẳng rằng, điều gì làm cho ông tuyên bố án binh bất động trong ngày 30/4/1975, thì Dương Văn Minh nêu nhiều lý do, trong đó cùng với lực lượng quân đội còn có sự tác động của một số nhóm thuộc lực lượng an ninh của ta”.
Ngay từ buổi phôi thai mới thành lập ngành tình báo Việt Nam, ông Mười Hương đã có cách nhìn người chuẩn xác để giao loại nhiệm vụ đặc biệt này. Điều đó đã giúp ông có kinh nghiệm và tầm nhìn để chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược trong lòng địch đến ngày toàn thắng.
Cả cuộc đời đi theo cách mạng, từ năm 1937 (khi mới 13 tuổi), xuyên suốt hai cuộc chiến tranh với hai đế quốc lớn, dân tộc Việt Nam đã giành chiến thắng, nhà chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương và những người đồng đội được ông trực tiếp chỉ huy, không một ai cầm súng nhưng những gì họ làm có sức mạnh còn lớn hơn cả một đạo quân. Phương châm chỉ đạo của ông Mười Hương là theo truyền thống lịch sử dân tộc: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Tình báo của các nước mạnh, họ được đào tạo thành những điệp viên điêu luyện, có vũ khí, máy móc tối tân và có bàn tay thép. Còn tình báo Việt Nam là những người có trái tim yêu nước nồng nàn cùng với lửa nhiệt tình cách mạng, có trí tuệ, có lòng nhân từ và sự bao dung đối với kẻ thù khi chúng đã cùng đường, thua trận.
Đúng như lời ông Mười Hương đã nói: “Tình báo Việt Nam lấy văn hóa bản địa để cảm hóa và chiến thắng quân thù”.  Những năm cuối đời, dù sức khỏe có suy giảm, thường xuyên đau ốm nhưng ông vẫn điềm đạm, khoan thai, gần gũi và vô cùng minh mẫn. Những người chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình đã lặng lẽ làm nên những việc phi thường mà tên tuổi của họ có khi cả đời vẫn mai danh ẩn tích!
Khi nhắc về những chiến công lẫy lừng ấy, “kiến trúc sư” Mười Hương giản dị: “Thành tích mà các anh ấy có được, là do sự lãnh đạo của trung ương và các lực lượng cách mạng, do tài năng và lòng quả cảm của chính các anh đó, còn tôi chỉ là người chắp nối các đầu mối. Hoạt động tình báo như diễn kịch và các nhà tình báo trên đã thực hiện xuất sắc vai diễn của mình”./.
Bài viết có tham khảo nguồn:
1.     Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo (NXB Văn hóa – Văn Nghệ)
2.     Phạm Xuân Ẩn tên người như cuộc đời (NXB TP Hồ Chí Minh)
3.     Điệp viên Hoàn Hảo X6 - Phạm Xuân Ẩn (NXB Hồng Đức)
4.     Bài viết: Mười Hương - Người thầy, người bạn của điệp viên (Báo Quân đội Nhân Dân)
5.     Trần Quốc Hương-"Kiến trúc sư" trưởng của một mạng lưới tình báo (An Ninh Thế Giới)                                                                                 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần