Trăn trở lưu giữ chữ viết của người Dao

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ven Vườn Quốc gia Ba Vì, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) là nơi sinh sống tập trung của phần lớn đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn Hà Nội.

Đây cũng là vùng đất chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Dẫu vậy, thời gian đang khiến nhiều di sản của đồng bào dân tộc nơi đây mai một, trong đó có chữ viết.
Ngày càng mai một

Chạy xe men theo những con đường uốn lượn đi sâu vào vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Vì, chúng tôi háo hức tìm về bản người Dao. Đứng nhìn xa, chỉ thấy thấp thoáng những mái nhà nhỏ nằm chênh vênh dưới những tán rừng. Hàng trăm năm qua, hơn 2.000 đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì sống tập trung chủ yếu tại 3 thôn: Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất.

Trong số rất nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây, chữ viết là một phần hết sức quan trọng. Nhưng yếu tố được xem là đặc sắc bậc nhất này lại đang dần mai một. Tìm đến nhà ông Lý Văn Phủ - người có uy tín của thôn Yên Sơn, câu chuyện về chữ viết khiến chúng tôi không khỏi xót lòng.
  Ông Lý Văn Phủ là một trong số ít người còn viết được chữ cổ của người Dao.
Theo ông Phủ, đến nay, trên địa bàn xã Ba Vì chỉ còn khoảng 7 người có thể viết được chữ cổ của dân tộc Dao. Ông Phủ thậm chí có thể dọc vanh vách từng cái tên ít ỏi đó. “Ở thôn Yên Sơn giờ ngoài tôi còn có các ông: Triệu Phú Thành, Triệu Phú Đức, Triệu Văn Lịch, Lý Sinh Kiên; ở thôn Hợp Nhất có thêm ông Đặng Trung Thành, anh Dương Trung Phong. Trong khi ở thôn Hợp Sơn thì đến nay gần như đã không còn ai có thể viết được chữ cổ” - ông Lý Văn Phủ nhẩm tính.

Trong ngăn tủ cũ kỹ của ông Phủ giờ vẫn còn lưu giữ chồng tài liệu xếp cao. Tất cả vẫn được ông bảo quản cẩn thận trong suốt nhiều thế hệ đã qua. Không chỉ riêng ông Phủ, 6 người khác được đề cập ở trên cũng đang gìn giữ cẩn thận từng trang tài liệu sờn cũ về chữ viết cổ của người Dao. Dẫu vậy, theo ông Triệu Phú Thành, số đồng bào dân tộc biết đọc đang ngày một ít đi, trong khi những người có thể viết được chữ cổ thì giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Nỗ lực phục dựng… bất thành

Theo tìm hiểu, chữ viết của người Dao giống với chữ Hán cổ tới 65%. Cũng như chữ viết tiếng Việt của người Kinh, một cách viết có thể được hiểu theo nhiều tầng nghĩa khác nhau, tùy vào bối cảnh, văn phong.

Anh Lý Sinh Kiên, người trẻ tuổi nhất trong số 7 người còn có thể viết được chữ cổ của người Dao, hiện là một thầy cúng (thầy mo) của làng Yên Sơn cho biết, trong khi một bộ phận đồng bào vẫn sử dụng tiếng nói dân tộc (một ngôn ngữ riêng của người Dao - PV) để giao tiếp, thì chữ viết cổ giờ gần như chỉ được sử dụng khi thực hiện các nghi lễ của đồng bào dân tộc Dao như: Cấp sắc, Tết nhảy, tạ mả… Chữ viết cổ không còn phổ dụng trong cuộc sống hàng ngày khiến nhiều người Dao không còn mặn mà tiếp cận, chứ chưa nói tới việc truyền bá.

Cũng bởi “không còn ai sống cùng chữ cổ của người Dao” nên số người ít ỏi còn biết và có thể viết được loại văn tự này đều phải tự kiếm cho mình một nghề nghiệp khác để mưu sinh, thay vì trông vào nguồn thu nhập từ việc truyền bá chữ viết cổ như nhiều năm về trước. Các ông Triệu Phú Thành, Triệu Phú Đức, Triệu Văn Lịch, Đặng Trung Thành vẫn gắn bó với nghề bốc thuốc Nam truyền thống. Trong khi anh Dương Trung Phong ít may mắn hơn, hiện đang phải đi làm… thợ xây.

Thực tế từ nhiều năm về trước, việc gìn giữ chữ viết cổ của đồng bào dân tộc Dao đã được triển khai. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho biết, từ năm 2006, một số già làng, trưởng bản đã tổ chức các lớp truyền dạy chữ viết cổ cho đồng bào dân tộc Dao. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, các lớp học không thể tiếp tục vì thiếu kinh phí hỗ trợ cho các giáo viên lên lớp.

Không chỉ có bài toán kinh phí, ông Triệu Phú Thành - một trong những giáo viên đứng lớp ngày đó cho rằng, việc thu hút đồng bào dân tộc Dao, nhất là thế hệ trẻ theo học chữ viết cổ của cha ông là việc không hề dễ dàng. “Đồng bào dân tộc Dao giờ chỉ sử dụng chữ tiếng Việt để giao dịch. Trẻ em đến trường cũng học tập bằng chữ quốc ngữ. Thật khó có thể tìm ra được một lý do đủ sức thuyết phục để vận động đồng bào dân tộc Dao tìm về với chữ viết cổ” - ông Thành trăn trở.

Đề án bảo tồn, có cũng như không?

Chữ viết là một trong những hợp phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, mà có lẽ không nơi đâu trên địa bàn Hà Nội có được. Nhưng nguy cơ mai một di sản này đang hiển hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Trước nguy cơ bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc có thể bị nhạt phai, năm 2012, huyện Ba Vì đã phê duyệt Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2012 - 2015, định hướng 2020”. Trong đó có đề cập tới hợp phần bảo tồn chữ viết. Tuy nhiên, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu cho biết, từ đó đến nay, địa phương vẫn chưa có bất cứ hoạt động bảo tồn cụ thể nào dành cho hạng mục văn hóa phi vật thể này!

Thực tế những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm đầu tư nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô nói chung, huyện Ba Vì nói riêng. Rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng đồng bào dân tộc đã và đang được bảo tồn và phát huy khá hiệu quả. Có thể kể tới đó là trang phục của người Mường, văn hóa cồng Chiêng, nghi lễ Mo Mường, hát sắc bùa, hay các trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc vào những dịp lễ hội (đẩy gậy, bắn nỏ, đấu vật…). Nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi cũng đã bị đẩy lùi. Tuy nhiên, hạng mục chữ viết của người Dao lại chưa từng một lần được nhắc nhớ!

Liên quan tới công tác bảo tồn chữ viết của người Dao, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh thừa nhận: Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này của đồng bào dân tộc Dao chưa được quan tâm đúng mức. Ông Vinh cũng chỉ ra nguyên nhân, đó là bởi không giống như tiếng nói, trang phục, hay nhiều trò chơi truyền thống, chữ viết cổ đang ngày một ít phổ dụng và đã không còn được nhiều đồng bào dân tộc Dao thực sự quan tâm, tìm đến.

Dẫu vậy, ông Vinh cũng khẳng định rằng, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn, nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng được TP đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy thời gian tới, Ban Dân tộc TP Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan, nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp, tiến tới làm “sống lại” chữ viết cổ của đồng bào dân tộc Dao.

Sẽ cần thêm thời gian cho những nỗ lực bảo tồn. Nhưng hơn ai hết, những người như ông Lý Văn Phủ, Triệu Phú Thành hay anh Lý Sinh Kiên hiểu rằng: Nếu không kịp thời được quan tâm, một ngày kia khi họ không còn nữa, có lẽ chữ viết cổ của người Dao cũng sẽ đi vào quên lãng. Và những thế hệ mai sau lớn lên giữa vùng đất đại ngàn giàu bản sắc văn hóa này, cũng sẽ mất đi một di sản quý giá, để tìm về.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần