Trăn trở ở làng mộc Liên Trung

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm năm qua, người dân xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) gắn bó và "sống khỏe" với nghề mộc. Hai thôn có nghề nơi đây cũng đã được công nhận là những làng nghề truyền thống chế biến lâm sản.

Nằm ven sông Hồng, làng Hạ, xã Liên Trung hiện có 211 hộ sản xuất, 114 công ty, với 1.300 lao động tham gia làm nghề mộc. Trong khi đó, làng Trung hiện có 289 hộ sản xuất, 107 công ty, với 1.600 lao động gắn bó với nghề. Những năm qua, nghề mộc nơi đây đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết vệc làm, mang lại thu nhập bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/lao động/tháng.
 Gỗ nguyên liệu được chất đống ven đê hữu Hồng tại xã Liên Trung.
Chủ tịch UBND xã Liên Trung Nguyễn Văn Hanh cho biết, để thúc đẩy sự phát triển của nghề chế biến lâm sản, TP Hà Nội và huyện Đan Phượng đã bố trí ngân sách, đầu tư gần 438 tỷ đồng nhằm nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều hạng mục giao thông, hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các làng nghề.
Cùng với cơ sở hạ tầng, địa phương tập trung tuyên truyền để các DN giao kết hợp đồng thương mại đảm bảo các quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro. Đẩy mạnh hoạt động tín dụng, tạo điều kiện để các đơn vị tiếp cận được các nguồn vốn phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm mộc ra thị trường.
Mặc dù vậy, sự phát triển của nghề mộc ở xã Liên Trung vẫn còn đó không ít khó khăn, nhất là mặt bằng sản xuất. Hiện nay, mặt bằng sản xuất, kinh doanh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các đơn vị trên địa bàn xã. Điều này dẫn đến tình trạng sản xuất trong khu dân cư còn rất phổ biến, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của Nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Liên Trung Nguyễn Văn Hanh cho biết, địa phương đang phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đầu tư xây dựng, tiến tới đưa vào hoạt động ổn định làng nghề Hồ Điền rộng 9,7ha. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất khu Bãi Đồn, Hồ Quan vào mục đích sản xuất, kinh doanh, tiến tới giải quyết bức xúc về mặt bằng cho Nhân dân địa phương” – ông Hanh cho hay.
Cùng với bài toán mặt bằng sản xuất, đại diện UBND xã Liên Trung cho biết, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tối đa cho các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn. Trong đó, tập trung giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động tín dụng, tạo điều kiện để các đơn vị tiếp cận được các nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tận dụng các cơ chế, chính sách trong đề án phát triển Chương trình OCOP của TP Hà Nội đến năm 2020, nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần