Trăn trở với đời sống nông dân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân thông qua cải thiện thu nhập, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo được Hà Nội coi là nhiệm vụ xuyên suốt và đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%
Sau gần 3 năm thực hiện giai đoạn 2 Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, đời sống của đại bộ phận nông dân trên địa bàn Hà Nội tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đầu năm 2019 đạt trên 48 triệu đồng/năm.
Cá biệt có không ít địa phương, thu nhập bình quân chung theo đầu người cao vượt trội như Thạch Thất 58 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 49 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 48 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người/năm…
 Nghề làm chổi ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn
Cùng với thu nhập, số hộ nghèo khu vực nông thôn cũng giảm nhanh qua các năm. Đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội đã giảm còn khoảng 1,8%. Nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) còn rất thấp như Quốc Oai 0,46%, Gia Lâm 0,56%, Hoài Đức 0,92%...
Có được kết quả trên là nhờ TP đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đã bước đầu hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng rau an toàn giá trị từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, vùng cây ăn quả giá trị từ 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm… Đặc biệt, 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng góp trên 25% tổng giá trị ngành hàng nông nghiệp của Thủ đô cũng đang từng bước được nhân rộng...
Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, ngân sách TP cũng đã quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với tổng nguồn lực gần 41.987 tỷ đồng nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, TP cũng đã bố trí 750 tỷ đồng hỗ trợ các hộ vay vốn phát triển sản xuất. Những trợ lực trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn
Bằng những giải pháp cụ thể, được triển khai đồng bộ từ TP đến địa phương, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người nông dân trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Dù vậy, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thống kê đến nay, toàn TP vẫn còn 10 xã chưa đạt tiêu chí về hộ nghèo và 23 xã chưa đạt chỉ tiêu về thu nhập. Đời sống của một bộ phận người nông dân nằm xa trung tâm TP, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc miền núi hiện còn thấp, thiếu ổn định.
Điển hình như: Ứng Hòa 37 triệu đồng/người/năm, Mỹ Đức 38 triệu đồng/người/năm, Ba Vì 39 triệu đồng/người/năm… Tỷ lệ hộ nghèo của một số huyện còn ở mức cao, đơn cử như Ba Vì 3,1%, Mỹ Đức 2,8%, Chương Mỹ 2,48%...
Để tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ưu tiên phát triển những vùng chuyên canh, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến công. Xây dựng và mở rộng các khu, cụm công nghiệp - làng nghề nhằm giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ, hướng tới từng bước chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần