Trang mới trong lịch sử Iran?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Iran đã thoát khỏi giai đoạn bị cô lập kinh tế kéo dài một thập kỷ, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/1 tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Bên cạnh bàn đạp mạnh mẽ về kinh tế sau sự kiện này, giai đoạn chuyển thời thực sự của Tehran liệu đã đến? 
Người dân Iran đổ ra đường ăn mừng thỏa thuận hạt nhân  đạt được hồi tháng 7/2015.
Người dân Iran đổ ra đường ăn mừng thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7/2015.
Kể từ nay, Iran có thể tham gia “sân chơi” dầu lửa với vai trò là nhà sản xuất lớn thứ 4 trên thế giới, đồng thời gia nhập hệ thống ngân hàng điện tử toàn cầu và trang bị cho hệ thống quân sự già cỗi. Với mức giá dầu hiện nay, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đồng nghĩa Iran sẽ nâng doanh thu từ "vàng đen" lên 10 tỷ USD cho tới năm 2017. Theo Ngân hàng T.Ư Iran, khoảng 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối đóng băng trong các tài khoản trên thế giới sẽ “chảy” về Iran. Những lợi ích kinh tế này dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Tehran lên mức 5% trong giai đoạn 2016 - 2017.

Theo đó, dự kiến Iran sẽ tăng số lượng dầu bán ra thị trường lên 500.000 thùng/ngày và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 lên 2,5 triệu thùng, khiến thị trường đang ngập tràn dầu giá rẻ tiếp tục lao dốc. Như vậy, không chỉ diện mạo kinh tế Tehran mà thế giới sẽ có nhiều biến chuyển mới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani miêu tả thỏa thuận nói trên là một “trang vàng” trong lịch sử quốc gia Trung Đông này, với ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế và là một dấu mốc chuyển thời cho sự thịnh vượng của Iran.

Tuy nhiên, hiện có lẽ chưa phải giai đoạn “vàng” cho một sự chuyển thời hoàn toàn cho Iran, đại thể là trong quan hệ Washington - Tehran.

Trong một tuyên bố ngày 16/1, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton chúc mừng Tổng thống Mỹ Barack Obama và bày tỏ niềm tự hào vì đã đóng vai trò khởi động tiến trình này, nhưng đồng thời cũng kêu gọi thiết lập các lệnh trừng phạt mới đối với Iran vì chương trình thử tên lửa đạn đạo. Phát biểu của bà Clinton phần nào phản ánh thực tế rằng, dù mềm mỏng hay cứng rắn thì quan điểm chung của các chính trị gia Mỹ thuộc lưỡng đảng vẫn là duy trì chính sách trừng phạt không nhất quán đối với Iran.

Do đó, trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ kết thúc trong năm nay, dù ai thay thế Tổng thống Obama làm chủ Nhà Trắng, cũng sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Tehran – Washington.

Con đường đẩy mối quan hệ này lên tầm cao hơn, thậm chí là hướng đến việc trở thành đối tác lớn hay đối tác chiến lược ở khu vực cũng chưa thể vội vã. Nguyên nhân là vì Mỹ còn phải kiêng nể các đồng minh truyền thống vốn coi Iran là mối đe dọa như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Bahrain, Jordan.

Ngay sau khi có tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt lên Iran, Tổng thống Rouhani khẳng định trên truyền hình: Những quốc gia thân thiết với Iran hẳn đang vui mừng và những chính quyền còn đối lập với Tehran cũng không nên lo lắng, bởi Tehran không phải là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia hay chính quyền nào. Iran là một sứ giả của hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy nhiên, có lẽ không phải tất cả chính quyền trên thế giới đều có đồng quan điểm với ông Rouhani. Hành trình Tehran minh chứng điều này thông qua chuyển biến về các quan hệ ngoại giao sẽ còn ở phía trước. Chỉ có thể khẳng định rằng, việc giải quyết ổn thỏa vấn đề hạt nhân của Iran mở ra tiền đề thuận lợi về phát triển kinh tế cần thiết để nước này thúc đẩy hội nhập quốc tế, từ đó dần gây dựng tiếng nói trong khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần