Tranh bích họa đường phố: Đẹp chưa hẳn đã hay

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tranh bích họa xuất hiện nhiều trên các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, hơn một tuần qua khi các bức tường sơn vàng của trường THPT Phan Đình Phùng được thay thế bằng các bức tranh bích họa về Hà Nội càng nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều.

 Họa sĩ vẽ tranh bích họa trên phố Phan Đình Phùng. Ảnh: Hải Linh
Bích họa Việt Nam đi sau thế giới

Từ nhiều năm qua, tranh bích họa đã không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Đến nay, tranh bích họa xuất hiện nhiều hơn ở các tuyến phố lớn như Phùng Hưng, Phan Đình Phùng và len lỏi vào những khu dân cư như ngõ 68 đường Yên Phụ, ngõ 78 đường Duy Tân, tổ dân phố số 2 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm).
Vẽ bích họa là giải phóng về mặt thẩm mỹ cho một khu vực nhếch nhác, bẩn thỉu, che đậy hoặc lấp đi những cái chưa đẹp. Nhưng với phố Phan Đình Phùng thì không cần thiết, chỉ cần giữ cho con phố này sạch đã là quá đủ.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức
Theo nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn, bích họa đường phố là một xu thế tất yếu của Hà Nội. Trên thế giới, họa sĩ đường phố vẽ graffity đã có từ lâu. Chúng ta đi sau khá nhiều nhưng không có nghĩa là những bức tranh có chất lượng thấp. Nhiều bức trên cầu, đường chất lượng khá tốt. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với đống rác dưới chân, một bức vẽ graffity – thứ hội họa bình dân sẽ làm sạch đẹp cả khu vực. "Chúng ta nên hoan nghênh, đó là nghệ thuật đường phố cả thế giới chấp nhận. Chúng ta chỉ lên án khi những tác phẩm đó có tính bạo lực, đồ trụy, trái với thuần phong mỹ tục. Tôi cho rằng, cái gì đẹp thì sẽ được quyền tồn tại và nó sẽ có khán giả riêng” - nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ: “Tranh bích họa đã có từ lâu ở Việt Nam. Chúng xuất hiện ở trong các đình, chùa, trường học… Mỗi tác phẩm đều phục vụ một mục đích cụ thể và mang lại hiệu quả khác nhau về nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ. Quan trọng, chúng ta phải đảm bảo các nhu cầu trong xã hội được hài hòa, khoa học, nâng cao chất lượng đô thị nói chung”.

Sử dụng như thế nào cho đẹp?

Theo một số họa sĩ và chuyên gia, tranh bích họa hiện nay đang phát triển tự phát dưới 3 hình thức. Thứ nhất là loại tranh được thực hiện có kế hoạch, có sự tham gia, tư vấn của kiến trúc sư, họa sĩ, chuyên gia nước ngoài. Thứ hai là tranh bích họa tự phát, không có họa sĩ “cầm trịch” nên thiếu thẩm mỹ. Thứ ba là vẽ vô tội vạ từ kiểu tranh cổ động đến nắp cống, hộp điện… loại này không làm đẹp mà còn “bôi bẩn” cảnh quan.

Do đó, bên cạnh việc ủng hộ việc tranh bích họa xuất hiện là một xu thế tất yếu nhưng nhiều họa sĩ cũng thẳng thắn cho rằng sự phát triển tranh còn mang tính tự phát. Một họa sĩ (giấu tên) cho rằng: Hiện nay, bích họa tự phát rất nhiều, thiếu quản lý dẫn tới mỗi nơi có một kiểu dạng khác nhau. Riêng ở phố Phan Đình Phùng, không nhất thiết phải cải tạo những bức tường như vậy bởi sẽ đối lập với không gian cổ kính của con phố.

Theo giới chuyên môn, tranh bích họa có tính thời sự, thời gian tồn tại rõ ràng. Mặt khác, tranh thường phục vụ cho những nhóm đối tượng nhất định. Do vậy, tranh bích họa khi sử dụng cần phải nghiên cứu kỹ, sử dụng hợp lý. Họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ: “Tranh bích họa ở phố Phan Đình Phùng được vẽ nhân một dịp kỷ niệm của trường. Do vậy, tôi cho rằng chúng được phục vụ một đối tượng nhất định, nên chăng các bức tranh được vẽ vào mặt tường bên trong trường. Như vậy, vừa đảm bảo không gian vốn có của tuyến phố vừa có thể giáo dục về truyền thống của nhà trường.

Trước thực trạng tranh bích họa như hiện nay, ngoài những quy định về quảng cáo, quản lý đô thị hay tuyên truyền chính sách đã có, cần tổ chức các cuộc trao đổi khoa học gồm giới chuyên môn liên quan trong tầm nhìn đô thị hiện đại. Khi cập nhật, phân loại cơ bản tranh bích họa, mới chủ động quản lý có hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần