Tranh cãi xoay quanh phân chia tài sản của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/2, phiên tòa xét xử vụ tranh chấp và ly hôn giữa nguyên đơn bà Lê Hoàng Diệp Thảo với bị đơn ông Đăng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) tiếp tục diễn ra. Tại tòa, những người đại diện theo ủy quyền và các luật sư của 2 phía vẫn giữ nguyên quan điểm của thân chủ mình.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Nên “giải thoát” cho cả 2 
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nói: “Từ ngày tòa án thụ lý vụ kiện tranh chấp và ly hôn đến nay đã hơn 3 năm 3 tháng. Nguyên đơn đã chủ động đưa ra nhiều phương án có thể giải quyết căn bản vụ tranh chấp về tài sản, nhưng đến nay các bên liên quan vụ án chưa tìm được tiếng nói chung, khiến quá trình giải quyết vụ kiện kéo dài quá hạn luật định”.
Theo luật sư Hoài, sau khi bà Thảo kết hôn với ông Vũ, họ sống hạnh phúc và có 4 con chung. Đến năm 2013, sau thời gian ông Vũ tiếp nhận “những suy nghĩ riêng biệt” mà theo ông Vũ là những “trải nghiệm trong những chuyến đi mới”, thay đổi về nhận thức và sự biểu hiện bất thường sau quá trình thiền định, “nhịn ăn trong 49 ngày liên tục”. Trong cuộc gặp gỡ báo chí từ phía ông Vũ vào tháng 6/2018, chính ông thừa nhận 5 năm ở trên núi, không trực tiếp điều hành tập đoàn, theo đuổi các mục tiêu tái định vị và sắp đặt trên một triết lý, hệ quy chiếu khác, hệ quy chiếu sáng tạo, hệ quy chiếu năng lượng và nhiều điều to tát, lớn lao khác.
“Đến 2015, cả 2 ký đơn thuận tình ly hôn nhưng sau đó ông Vũ không đồng ý, nên bà Thảo phải làm đơn xin ly hôn và yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân gửi đến TAND TP Hồ Chí Minh để bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản cũng như các quyền của cổ đông tham gia góp vốn, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG)...”, luật sư Hoài nói tiếp.
Cũng theo luật sư Hoài, tại phiên tòa này bà Thảo chờ quyết định của ông Vũ để hàn gắn cuộc sống vợ chồng hay chấm dứt cuộc hôn nhân, nhưng ông Vũ lại cho rằng bà Thảo… phải “sám hối”. Vì vậy HĐXX cần xem xét, quyết định cho ly hôn để giải phóng cho cả hai. 
Chủ tọa khuyên bà Thảo xin lỗi chồng là không phù hợp
Còn luật sư Trương Trọng Nghĩa, bảo vệ cho bà Thảo cho rằng ý kiến đề nghị bà Thảo nên đưa các con sang Singapore để sống, doanh nghiệp vẫn do ông Vũ vẫn điều hành sẽ không mất tiền là không phù hợp.
“Bên cạnh đó việc chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà Thảo quay lại xin lỗi ông Vũ. Còn ông Vũ bảo bà Thảo phải… sám hối, từ bỏ hết cổ phần để về cơm nước, thì tôi cho rằng không phù hợp với diễn biến hôn nhân trong mấy năm qua. Theo tôi những lời khuyên này không hợp đạo lý. Chưa kể trong 18 vụ kiện đối với Công ty Trung Nguyên International ở Singapore, có tới 9 vụ do ông Vũ chỉ đạo kiện bà Thảo. Sau đó dư luận lại cho rằng bà Thảo là người kiện”, luật sư Nghĩa, nói.
Sau khi phân tích, cả luật sư Hoài và luật sư Nghĩa cho rằng việc bà Thảo yêu cầu chia 51% tài sản là không sai. Từ đó cả 2 luật sư đề nghị cần chia 5% cổ phần cho các con chung của 2 người để có tiền học hành, sinh sống. Đối với vấn đề phân chia tài sản, theo các luật sư của bà Thảo tỷ lệ phía ông Vũ đưa ra 7 phần (ông Vũ) và 3 phần (bà Thảo) là thiếu căn cứ.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Sau khi các luật sư phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo tranh tụng, chủ tọa hỏi ý kiến ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông Vũ cho rằng hoàn toàn không muốn chia cắt các con, luôn tôn trọng ý kiến của con và vẫn khẳng định bà Thảo sai.
Vì vậy bà Thảo nói trước tòa: “Tôi nghĩ anh nên dừng lại. Suốt 20 năm qua em không nói vì gìn giữ hình ảnh của anh đối với các con, gìn giữ những gì tốt đẹp của gia đình. Tôi là phụ nữ tôi cũng có quyền được sống như một con người. Anh nói tôi sai - tôi sai gì? Tôi không cho phép anh sỉ nhục tôi”.
Luật sư bị đơn đề nghị xử ly hôn càng sớm càng tốt
Bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ, luật sư Hoàng Nhân, cho rằng: “Khi biết bà Thảo làm đơn ly hôn, thời gian đầu ông Vũ không muốn và mong bà Thảo rút đơn. Theo ông Vũ gần 20 năm 2 người chung sống có 4 mặt con, không lẽ chỉ vì những mâu thuẫn vợ chồng làm tan nát hết? Vì vậy ông Vũ đã nhờ 2 bên nội ngoại tác động bà Thảo rút đơn ly hôn, đồng thời xin tòa án một thời gian để khuyên nhủ bà Thảo. Trong thời gian tòa án thụ lý đơn, ông Vũ nhận thấy hố sâu giữa 2 vợ chồng ngày càng ngăn cách. Tại tòa hôm nay ông Vũ đồng ý và mong HĐXX cho ly hôn càng sớm càng tốt. Như vậy cả 2 đã có ý chí thuận tình ly hôn, mong HĐXX chấp thuận”.
Về yêu cầu nuôi con chung của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên, luật sư Nhân nói: “Suốt các buổi hòa giải, làm việc ông Vũ vẫn có nguyện vọng nuôi 4 con, không yêu cầu bà Thảo chu cấp. Ông Vũ nêu quan điểm chấp nhận ý chí của các con và đồng ý chu cấp 10 tỷ đồng/năm/4 con. Ông Vũ cũng có một khẩn cầu HĐXX nếu không được nuôi con thì cho ông quyền thăm nom con và không ai được cản trở. Ông Vũ cũng có quyền yêu cầu tòa thay đổi người chăm sóc, nuôi con; được gia đình bên nội đón các con về nhà cuối tuần, không bị ngăn cản gây khó khi thăm con”.
Về việc chia tài sản giữa 2 vợ chồng ông Vũ và bà Thảo, luật sư Nhân nhắc lại 2 bên đã thống nhất chia tài sản là các bất động sản (BĐS) đã xác định gồm 13 BĐS thống nhất chia đều 50 - 50. Và để chứng minh cho thân chủ mình là người sáng lập, điều hành, phát triển Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, luật sư của ông Vũ đưa ra các tài liệu là các giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh từ năm 1996 cho tới năm 2007 khi bà Thảo có tên tham gia cổ đông.
Theo luật sư Nhân, năm 1996 ông Vũ cùng 4 người bạn sinh viên lập ra Trung Nguyên cà phê với vốn 2 triệu đồng. Sau đó kết hôn và năm 2012 bổ sung vốn, thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 5. Năm 2012 chuyển đổi từ HTX thành Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên, lúc đó cũng chỉ có 2 thành viên. Đến ngày 27/4/2007, bà Thảo tham gia cổ đông, ông Vũ giữ 70%, bà Thảo sở hữu 10%. Tỷ lệ đóng góp là thỏa thuận của 3 thành viên trong gia đình (ông Vũ, bố ông Vũ và bà Thảo). Từ những lập luận trên, luật sư Nhân khẳng định người sáng lập Trung Nguyên chỉ có mỗi ông Vũ và đề nghị HĐXX tuyên để ông Vũ vẫn nắm giữ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
Tuy nhiên, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, theo trình bày của bà Thảo thì thực tế năm 1999 sau khi đăng ký thành lập HTX với vốn 140,5 triệu đồng, trong đó tiền mặt 20 triệu đồng, còn lại là hiện vật. Thời điểm đó bà Thảo được giao trách nhiệm Giám đốc chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.
Phiên tòa sẽ tiếp diễn vào sáng thứ 2 (25/2).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần