Tranh Hàng Trống qua góc nhìn công nghệ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người ưa thích tranh xưa được nghệ nhân cầm tay, chỉ việc dạy cách vẽ tranh Hàng Trống trong không gian trưng bày thực.

Công chúng đam mê công nghệ, sẽ được đắm mình trong không gian mảng màu hoặc trở thành nhân vật trong tranh qua công nghệ “AI deep learning”. Đó là những gì đang diễn ra tại không gian triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”, bắt đầu từ chiều 20/11 đến hết tháng 12/2019 tại Bảo tàng Hà Nội.
2 bức tranh đặc biệt
50 bức tranh Hàng Trống được trưng bày trong triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” sẽ khác lạ rất nhiều so với các triển lãm về dòng tranh này trước đó. Bởi tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, như: Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)…
Không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ ''AI deep learning'' trong triển lãm Tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Thanh Khánh
Tranh Hàng Trống đã góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển nghề làm tranh dân gian, làm cho nghề làm tranh truyền thống Việt Nam trở nên cực thịnh một thời. Nhưng giờ đây, nghề làm tranh Hàng Trống đã mai một. Theo nghiên cứu hiện nay, chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn nắm giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống.
Muốn tập hợp được đủ các dòng tranh thờ, tranh Tết, tranh thế sự; cán bộ của Bảo tàng Hà Nội không chỉ lấy sẵn trong kho mà còn đi sưu tầm, vận động gia đình các nghệ nhân hiến tặng, thậm chí là cho mượn để công chúng được chiêm ngưỡng tổng thể giá trị của dòng tranh này. Đặc biệt, trong số 50 bức tranh trưng bày lần này, có 2 bức tranh Hàng Trống được vẽ trên nền tôn mang chủ đề “Tứ phủ ông hoàng” và “Bà chúa thượng ngàn” được bố của nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện từ những năm 1942 - 1943.
Theo anh Lê Hoàn (con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên), đây là những bức tranh hết sức giá trị của dòng tranh Hàng Trống, được tác giả kỳ công thực hiện trên chất liệu tôn và sơn tổng hợp. Chỉ có những nghệ nhân điêu luyện trong nét vẽ mới có thể phóng tác được. Hiện nay, nếu phục dựng chỉ có thể thực hiện bằng chất liệu giấy. Chính vì vậy, đây có thể coi là 2 bức tranh độc đáo nhất của dòng tranh này. Một thời gian dài 2 bức tranh này được lưu giữ tại chùa Kim Liên.
Thời gian gần đây, gia đình nghệ nhân Nghiên đã đề xuất xin lại nhà chùa để lưu giữ, bảo tồn dòng tranh quý của Hà Nội. Nhân dịp triển lãm tranh Hàng Trống của Bảo tàng Hà Nội, gia đình đã đồng ý đem trưng bày giới thiệu đến đông đảo công chúng.
Thử làm nghệ nhân nhờ công nghệ
Triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” còn dành một không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ “AI deep learning” trong nhận diện hình ảnh; giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm. Hình ảnh của mỗi khách tham quan sẽ được công nghệ “AI deep learning” học theo nét vẽ và phong cách tranh của nghệ nhân và tạo ra các hình ảnh phát sinh theo đường nét, phong cách đó. Vì vậy, khách tham quan sẽ được trải nghiệm hình ảnh của chính mình trong một bức tranh dân gian Hàng Trống.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, với mong muốn thu hút được công chúng ở nhiều lứa tuổi, Bảo tàng đã sử dụng công nghệ 3D mapping và các công nghệ đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng đặc biệt, tái hiện một không gian của nghệ thuật đặc biệt vào triển lãm lần này. Với những người yêu thích ngắm tranh theo cách truyền thống có thể tham quan không gian trưng bày thực.
Ngoài ra, công chúng có thêm lựa chọn công nghệ bằng cách sân khấu hóa tạo thị giác, thính giác cho người xem. Trên thực tế, công nghệ AI đã từng được Bảo tàng Hà Nội thực hiện tại triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”, được công chúng đánh giá cao. Đây cũng là một trong những xu hướng tổ chức trưng bày triển lãm sẽ được thực hiện trong thời gian tới tại Bảo tàng Hà Nội, thể hiện tinh thần sáng tạo ở mọi lĩnh vực của Hà Nội, đúng như danh hiệu Thành phố sáng tạo mà UNESCO mới trao tặng.

Chiều 20/11, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2004 – 23/11/2019) nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô.

Tại buổi lễ, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết: “Thời gian qua, rất nhiều hoạt động được tổ chức đã làm cho di sản văn hóa Thủ đô ngày càng phát huy được các giá trị, có sức sống bền vững như: Công tác huy động các nguồn lực cho tu bổ, tôn tạo di tích; Xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn cấp TP của điểm du lịch làng nghề, di tích, các hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản tại Bảo tàng Hà Nội, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Di tích Phố Cổ Hà Nội, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long… Để đạt được những kết quả đó, có phần không nhỏ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ và rất nhiều tổ chức, cá nhân yêu di sản”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần