Tránh hình thức trong việc xây dựng, thực hiện hương ước

Tin, ảnh: Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/7, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Tham dự hội nghị có đại diện cán bộ phòng tư pháp 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Sau 17 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã đạt nhiều kết quả. Bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong những năm vừa qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
 Hội nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng, văn bản được ban hành sẽ tạo thuận lợi cho việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc, bất cập trong thực hiện hương ước, quy ước là các quy định hiện hành công nhận có các hình thức chế tài trong hương ước, quy ước và chủ yếu là các biện pháp mang tính giáo dục, thuyết phục. Đồng thời, quy định nguyên tắc không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng hương ước, quy ước.

Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách khô khan. Việc xây dựng, thực hiện hương ước nhiều nơi còn hình thức, mang tính phong trào. Đặc biệt, có tình trạng hương ước, quy ước có nội dung vi phạm pháp luật, quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân…

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương tiếp thu các ý kiến đóng góp. Đồng thời cho rằng, Dự thảo đang được Bộ Tư pháp xây dựng và lấy ý kiến các địa phương vào tháng 8 tới. Sau khi thống nhất được các ý kiến đóng góp, Chính phủ sẽ ban hành, từ đó việc thực hiện hương ước, quy ước sẽ tránh hình thức và kém hiệu quả trong thực hiện.

Hiện nay, cả nước có 109.698/125.083 thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu dân cư đã xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (chiếm tỷ lệ 87,7%). Qua tổng kết cho thấy, hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.