Tránh khái niệm mơ hồ trong Bộ luật Hình sự

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/2, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 7, thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH14.

Đề xuất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về bổ sung thêm trách nhiệm hình sự với 2 tội danh là tài trợ cho khủng bố và rửa tiền với pháp nhân nhận được nhiều sự đồng tình. Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Nếu một tổ chức tài chính nào đấy rửa tiền ở ngân hàng của ta thì cả ngân hàng của ta và của ngân hàng thế giới đều bị phạt. Điều này cũng thể hiện cam kết của ta vì nó nằm trong các khuyến cáo của Tổ chức chống khủng bố, chống rửa tiền thế giới mà ta tham gia với tư cách là quốc gia thành viên. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cũng cho biết: "Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, cần xem xét thận trọng, phù hợp với luật pháp của Việt Nam".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Về tội vi phạm quy định về ATTP (Điều 317 của Bộ luật Hình sự năm 2015), có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Nhưng có ý kiến cho rằng, không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP đang xảy ra phổ biến hiện nay. Dẫn chứng vụ ngộ độc rượu khiến 8 người chết, 27 người phải nhập viện tại Lai Châu, vụ ngộ độc tập thể với hơn 60 nạn nhân mới xảy ra tại Hà Giang thời gian qua, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, vấn đề ATTP là rất bức xúc hiện nay, một số địa phương đã đến giới hạn đỏ. Dù số người chết do thực phẩm “bẩn” thống kê được hàng năm không lớn như số người chết do TNGT nhưng hệ quả đối với sức khỏe người dân, tới cả cộng đồng lại rất lớn và khó đong đếm được, nếu quy định phải xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe nhất định mới xử lý được hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP thì sẽ chẳng xử lý được ai cả, nên giữ nguyên như Bộ luật. Theo đó, hành vi vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, việc quy định về các tội vi phạm quy định ATTP phải tránh tràn lan, cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về ATTP nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đặc biệt phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình sử dụng chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm.

Nhiều nội dung khác cũng được UBTV Quốc hội cho ý kiến như quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; không tố giác tội phạm; tội gây ô nhiễm môi trường… Các ý kiến thảo luận cho rằng, Dự thảo Bộ luật không nên quy định quá cụ thể, chi tiết vì có liên quan đến quá nhiều lĩnh vực phức tạp, rất có thể lại trở thành lực cản đối với các cơ quan thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều điều khoản trong Dự luật có mâu thuẫn với các điều khoản khác trong chính dự thảo này hoặc pháp luật khác. Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, đây là một Bộ luật lớn, chỉ một lỗi nhỏ trong Bộ luật Hình sự cũng sẽ gây ra sai lầm rất lớn, vì nó chi phối nhận thức, quan điểm về nhiều luật khác. Cho nên cần hết sức tránh các khái niệm mơ hồ, dễ bị áp dụng tùy tiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan xây dựng Luật mời các chuyên gia, các thẩm phán giỏi đọc cho thật kỹ từng điều, từng khoản, có đóng góp ý kiến sâu cho Dự luật, tìm ra những quy định còn chưa đúng, chưa phù hợp hoặc còn chồng chéo. “Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau sẽ tiếp tục mang ra trao đổi, thảo luận; làm việc thật sự cẩn thận, kỹ lưỡng, bài bản, không vội vàng; khi Dự án Luật được xây dựng hoàn thiện, đã chín muồi thì tiếp tục đem ra Quốc hội xin ý kiến” - Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thủy lợi.