Tranh luận "nóng" về kỳ thi đại học và cao đẳng 2010

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Qua 6 điểm cầu trực tuyến là Hà Nội, Vinh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm đại biểu đến từ các sở giáo dục đào tạo, các đại học, cao đẳng trên khắp cả nước đã làm việc nghiêm túc, liên tục từ 8 giờ đến hơn 13 giờ, không hề nghỉ giải lao.

KTĐT - Qua 6 điểm cầu trực tuyến là Hà Nội, Vinh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm đại biểu đến từ các sở giáo dục đào tạo, các đại học, cao đẳng trên khắp cả nước đã làm việc nghiêm túc, liên tục từ 8 giờ đến hơn 13 giờ, không hề nghỉ giải lao.

Nên hay không nên cho thí sinh thay đổi nguyện vọng trước khi dự thi đại học? Nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện hay tại trường? Có tăng tiền lệ phí dự thi? Đây là những vấn đề cơ bản làm nóng cả hội trường tại Hội nghị Thi và tuyển sinh 2010 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 9/1.

Qua 6 điểm cầu trực tuyến là Hà Nội, Vinh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm đại biểu đến từ các sở giáo dục đào tạo, các đại học, cao đẳng trên khắp cả nước đã làm việc nghiêm túc, liên tục từ 8 giờ đến hơn 13 giờ, không hề nghỉ giải lao.

Thay đổi cách nộp hồ sơ sẽ gây nhiều khó khăn


Thí sinh có được quyền thay đổi nguyện vọng về ngành dự thi (với điều kiện ngành này phải cùng khối, trường với ngành đã chọn) cũng là một trong những đề xuất được nhiều đại biểu góp ý. Với cách làm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng sẽ giảm được một phần lượng thí sinh ảo.

Tuy nhiên, các trường cho rằng điều này sẽ gây nhiều khó khăn.

“Điều chỉnh nguyện vọng là cực kỳ nguy hiểm, khó khăn”, ông Nguyễn Văn Hợi, Hiệu trưởng Đại học Vinh chia sẻ. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Tấn Vui, Phó Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên cho biết, khi thực hiện điều này, trường sẽ rất khó trong quản lý hồ sơ, sắp xếp phòng thi.

Nhìn ở một góc độ khác, giáo sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Không nên cho thí sinh chỉ nộp một hồ sơ. Về vấn đề thí sinh ảo, các trường hoàn toàn có thể xác định được những trường hợp nào là một thí sinh đăng ký nhiều ngành, thông qua dữ liệu trên máy tính. Từ đó, trường có thể chủ động chỉ xếp 1 số báo danh, 1 phòng thi cho thí sinh đó. Khi thí sinh này tới dự thi, họ vẫn có quyền lựa chọn 1 ngành thi phù hợp”.

Có nên nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường?

Một vấn đề khác liên quan tới việc nộp hồ sơ là việc nên hay không nên cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 trực tiếp tại trường.

Các năm trước, Bộ quy định thí sinh chỉ được nộp hồ sơ này qua đường bưu điện. Tuy nhiên, năm nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thí sinh gần trường, Bộ dự kiến sẽ cho các trường được thu trực tiếp.

Về vấn đề này, các đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau.

Ông Từ Quang Hiển ở Đại học Thái Nguyên bức xúc: “Chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều để đi đến quyết định là phải gửi qua bưu điện thì không nên thay đổi. Nộp tại trường sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực”.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh, ông Nguyễn Tấn Vui chia sẻ: “Có rất nhiều trường hợp tế nhị, vì thế không nên nộp trực tiếp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng tại trường. Hơn nữa, hiệu trưởng quá nhiều việc, không nên để phải lo thêm việc này".

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều trường, nhất là các trường dành nhiều chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 và 3, lại cho rằng điều này sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.

“Chúng tôi hoan nghênh việc Bộ cho thí sinh nộp trực tiếp tại trường”, Phó Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức, Lê Văn Trưởng vui vẻ nói.

Chung ý kiến này, ông Nguyễn Tiệp, Hiệu trưởng Đại học Lao động xã hội cũng cho biết, có rất nhiều phụ huynh, học sinh ở gần, đến tận trường để tìm hiểu thông tin nhưng lại phải vòng ra bưu điện để nộp hồ sơ. Vì thế, việc có cho phép nộp hồ sơ tại trường là hợp lý.

Đề nghị tăng lệ phí tuyển sinh

Tại Hội nghị, tất cả các đại học đều kiến nghị nộp gộp hai khoản lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi cùng lúc, khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng.

Các năm học trước, khoản lệ phí đăng ký dự thi (40.000 đồng) được thí sinh nộp cùng hồ sơ đăng ký dự thi, khoản lệ phí dự thi (20.000 đồng), thí sinh nộp khi đến làm thủ tục dự thi. Một thí sinh thường nộp hồ sơ vào nhiều trường nhưng chỉ dự thi ở một trường. Điều này khiến các trường bị lỗ vì không thu được khoản tiền 20.000 đồng của thí sinh trong khi vẫn phải bỏ tiền thuê địa điểm thi, giám thị, sao in đề thi… cho lượng thí sinh ảo.

Ông Nguyễn Ngọc Hợi bức xúc nói: “Mức lệ phí nhiều năm rồi không thay đổi, cần phải điều chỉnh lại. Chúng tôi thấy không công bằng. Quy định của thủ tướng là lệ phí tuyển sinh dựa trên nguyên tắc thu đủ, chi đủ, nhưng nhiều năm rồi các trường thu không đủ, chi thiểu rất nhiều. Chúng tôi thiết tha đề nghị, không biết là lần thứ mấy rồi, năm nào cũng nói nhưng không có thay đổi”.

Cũng theo ông Hợi, năm nào thí sinh ảo của Đại học Vinh cũng ở mức từ 30% trở lên. Riêng năm 2009, lỗ cho tổ chức thi là 200 triệu đồng, cho chấm thi 300 triệu, cộng lại gần 600 triệu đồng. Đã 8 năm rồi, năm nào cũng lỗ, tính tổng, trường phải bù gần 5 tỷ đồng. Có phòng thí sinh bỏ, chỉ có 2 em thi, nhưng vẫn phải hai giám thi, một thanh tra.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Cho rằng nộp đủ 60.000 đồng lệ phí thi là nặng cho thí sinh thì chúng ta đã đánh giá sai khả năng kinh tế của người dân. Đã đến lúc không vì 20.000 đồng mà gây khó khăn cho các trường như trong nhiều năm qua”.

Là một đơn vị tổ chức thi cụm cho khoảng 80 đại học, cao đẳng trên cả nước với số thí sinh dự thi hàng năm ở mức khoảng 60.000 hồ sơ, Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn Lê Hồng Anh cũng tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo “hỗ trợ cho các cụm thi”.

“Thí sinh ảo nhiều, trường phải gánh kinh phí rất lớn, trong khi đó, một số trường có học sinh thi nhờ lại không gửi lại phí cho trường”, ông Hồng Anh phân trần.

Trước hàng loạt ý kiến của các đại biể, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chiều mai, ngày 10/1/2010, lãnh đạo Bộ sẽ họp để bàn bạc lại tất cả các vấn đề trên./.