Tránh sự biến tướng trong quan hệ hụi, họ

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường (thay thế Nghị định số 144/2006/NĐ-CP) đang được Bộ Tư pháp xây dựng, đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới. Trong đó đáng chú ý, sẽ có những quy định có tính can thiệp ở mức độ nhất định của Nhà nước để đảm bảo quan hệ về họ được lành mạnh, tránh sự lạm dụng, biến tướng.

 Ảnh minh họa
Đến nay, bên cạnh quy định của Nghị định số 144, Bộ luật Dân sự năm 2015, quan hệ về họ còn được điều chỉnh gián tiếp bởi Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 175 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Điều 201 về tội cho vay lãi nặng); các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
Về cơ bản, các văn bản pháp luật điều chỉnh về họ đã đáp ứng yêu cầu về cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ liên quan; góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn hơn cho người dân trong các giao dịch về họ.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp. Một số nơi, việc chơi họ phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng. Nhiều trường hợp chủ họ đã lợi dụng lòng tin của người tham gia họ để chiếm đoạt tài sản; thực tế đã có một số vụ vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức. Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều nội dung Nghị định số 144 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Dự thảo Nghị định mới thiết lập cơ chế để quan hệ về họ thực sự nhằm mục đích tương trợ trong Nhân dân; định hướng hành vi để các bên tham gia họ tự kiểm soát lẫn nhau, tăng cường ý thức tự bảo vệ quyền dân sự. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định còn có những quy định có tính can thiệp ở mức độ nhất định của Nhà nước như quy định về nguyên tắc tổ chức họ, về chủ họ, vai trò của chính quyền để đảm bảo quan hệ về họ được lành mạnh, tránh sự lạm dụng, biến tướng.

Về điều kiện đối với chủ họ, Dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đối với chủ họ theo hai phương án. Trong đó, một người được làm chủ họ của một hoặc nhiều dây họ tại cùng một thời điểm nếu tổng giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ của các dây họ không quá 200 triệu đồng, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây họ. Đây là quy định mà Bộ Tư pháp ủng hộ bởi sẽ hạn chế được tình trạng một cá nhân làm chủ họ chuyên nghiệp, có thu nhập chính từ việc làm chủ họ (hưởng lãi và hưởng hoa hồng) từ đó dẫn đến nhiều biến tướng trong quan hệ về họ; việc kiểm soát này là hợp lý đối với người làm chủ họ dây họ lớn hoặc nhiều dây họ gộp lại có giá trị lớn.

Đặc biệt, về lãi suất, phương án được tán thành là quy định thành viên trong họ có lãi có thể đưa ra mức lãi mà mình trả cho các thành viên khác để được lĩnh họ, nhưng lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm theo cách tính (cụ thể). Quy định này đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời, đảm bảo phù hợp với đặc thù của giao dịch này.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định cơ chế để UBND cấp xã nắm bắt được thông tin, tình hình, diễn biến quan hệ về họ ở địa bàn cơ sở. Theo đó, lựa chọn được nhiều ý kiến cho rằng hợp lý là quy định chủ họ và thành viên trong dây họ có giá trị lớn (giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên) có nghĩa vụ và có quyền thông báo cho UBND cấp xã nơi chủ họ cư trú về sự hình thành và hoạt động của họ; cùng với đó là quy định trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thống kê, xử lý thông tin về tình hình các dây họ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần