Tránh thiên lệch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thấy cậu con trai thứ hai lóng ngóng, làm đổ bình hoa, chị không cần biết nguyên nhân ra sao, mắng luôn: “Mày là thằng hậu đậu, chẳng được việc gì cả”.

Rồi chị bắt đầu bài học so sánh, nào là anh con hoàn hảo thế, học giỏi thế, làm gì cũng tốt, mà sao con lại kém cỏi, cái gì cũng không bằng anh. Cái bài học ấy chị cứ lặp đi lặp lại mỗi khi cậu con trai thứ hai gặp lỗi gì. Đến một lúc, cậu bé không thể chịu được nữa, thốt lên rằng: “Con không ở nhà được nữa, lúc nào con cũng bị mắng mỏ, so sánh. Con muốn lên ở với bà ngoại”. Lúc ấy vợ chồng chị lại ngẩn ra, chợt hiểu ra cách cư xử của gia đình không đúng với cháu, nhưng gia đình lại không biết sẽ phải làm gì sắp tới. Còn cậu bé con dù không được bố mẹ cho lên nhà bà ngoại ở, nhưng từ đó rơi vào trạng thái cô lập, tránh xa mọi người.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Câu chuyện ấy có lẽ cũng không phải là cá biệt. Bởi người lớn vẫn có thói quen lấy tấm gương của người anh, người em hoàn hảo ra để so sánh, khích bác đứa con khác, tưởng rằng như thế con mình sẽ thấy ngượng mà cố gắng vươn lên. Nhưng vô tình cha mẹ đã làm tổn thương đứa con “chưa được như ý”, đẩy anh chị em vào một sự “cạnh tranh” và “ganh ghét” lẫn nhau. Người xưa dạy: “Mười ngón tay có ngón dài ngón ngắn”, anh em trong nhà cũng có đứa nọ, đứa kia. Nếu cứ đòi hỏi đứa nào cũng hoàn hảo như nhau, đối xử phân biệt, đứa con “chưa hoàn hảo” sẽ nghĩ rằng mình bị ghét bỏ, không được yêu thương.

Điều các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, trong hoàn cảnh ấy, chính người lớn cần thay đổi lại cách ứng xử với con. Hãy yêu thương nó như nó vốn có. Việc con chưa khéo léo trong cách cư xử hay trong công việc nhà, bố mẹ phải tìm lý do và hướng dẫn, uốn nắn dần dần. Và quan trọng hơn, cha mẹ nên nói lời xin lỗi con khi nhận ra mình không đúng. Hãy chỉ cho con thấy rằng vì yêu thương mà anh chị muốn con trở nên hoàn hảo, cũng là mong sau này con có cuộc sống hạnh phúc. Hãy chỉ cho con thấy những điểm tốt của mình, còn một vài điều chưa được ưng ý có lẽ là do con chưa chú ý, chưa thật sự cố gắng, nhưng bố mẹ tin rằng con khắc phục được dần dần. Đặc biệt, điều chỉnh thái độ một cách từ từ, tránh tỏ ra ân hận, vồ vập, khen ngợi thái quá, trẻ con sẽ nhận ra “cái lợi” do sự dọa nạt bỏ nhà. Từ đó trẻ có thể sử dụng cái đó như một “cẩm nang” mỗi khi đòi hỏi bố mẹ điều gì đó.