Trao giải "Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Sáng nay (14/6), Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ trao giải thưởng “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” cho 19 doanh nghiệp có dự án xuất sắc.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Các dự án này là các dự án xuất sắc nhất trong tổng số hơn 300 dự án tham gia chương trình. Các doanh nghiệp nhận giải lần này sẽ được hỗ trợ tài chính và các dịch vụ ươm tạo ý tưởng để xác định mô hình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm, tạo ra tác động tích cực đến kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhóm Ươm tạo nhận giải của Ban tổ chức
Nhóm Ươm tạo nhận giải của Ban tổ chức
 
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, biến đổi khí hậu ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều thể chế chính sách và chương trình hành động nhằm tăng cường năng lực quốc gia để thích ứng và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rác thải nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành kinh tế.

Việt Nam đã nhận được sự đồng hành của cộng đồng quốc tế trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế đã có nhiều hành động thiết thực thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án đầu tư để tăng cường chính sách, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu cho Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng, VCIC sẽ tạo nên nền tảng ươm tạo, giúp các doanh nghiệp xác định mô hình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Những công ty này đã chứng tỏ ý tưởng của họ có tác động tích cực đến kinh tế, xã hội và môi trường. VCIC sẽ tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn và ươm tạo những ý tưởng sáng tạo về công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều cuộc thi hơn nữa”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Theo ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đây là một cơ hội lớn để thể hiện tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ đối phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp này ở vị trí phù hợp nhất để đưa ra giải pháp sáng tạo trong việc chống biến đổi khí hậu vì hơn ai hết, họ hiểu rõ khó khăn, thách thức cũng như tiềm lực của địa phương, từ đó đưa ra ý tưởng nhằm cải thiện nền kinh tế địa phương và tạo thêm việc làm.

Trực thuộc Bộ KH&CN, VCIC là một phần của Chương trình phát triển Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới với mục tiêu thiết lập mạng lưới kết nối 7 trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.

VCIC được tài trợ bởi Chính phủ Australia và Bộ Phát triển quốc tế (Vương quốc Anh) giúp các doanh nghiệp huy động vốn, bồi dưỡng năng lực và cung cấp các dịch vụ tài chính, tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp công nghệ xanh trong 5 lĩnh vực chính: Năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý tài nguyên nước.

Mục tiêu của VCIC trong vòng 3 năm đầu hoạt động là hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ sạch ở địa phương và giúp hơn 1.700 hộ dân tiếp cận tới các sản phẩm và dịch vụ khí hậu thông minh mới và cải tiến.
Trong 19 doanh nghiệp này, có đơn vị làm “Dây chuyền máy đúc gạch không nung tự động,” “Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED” hoặc có những công nghệ hiện đại như “Lưới điện mặt rời mini,” “Trạm thời tiết khí hậu tự động công nghệ iMetos và phần mềm kết nối thông tin, dự báo và cảnh báo tự động thời tiết, sâu bệnh”, "Rau củ tươi ngon, an toàn, sản xuất trên quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế", "Phân xanh hữu cơ"…

Theo đại diện ban tổ chức, tùy từng quy mô, mỗi dự án sẽ được hỗ trợ khoản tiền tương ứng và cao nhất là 75.000 USD để phát triển sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần