Trẻ em bức xúc bố mẹ hay so sánh con với “Con nhà người ta!”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mỗi lần nghe thấy bố mẹ so sánh con với “con nhà người ta” là con ức chế, nổi điên lên và muốn cãi lại.

Ngày 22/3, Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững phối hợp với Cục Trẻ em – Bộ LĐTB&XH tổ chức hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam (Young in Vietnam), thu hút sự tham gia của gần 700 học sinh (HS) trường THCS Nam Từ Liêm và THCS Nguyễn Đình Chiểu.
Hội thảo ghi nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi, vấn đề được đặt ra bởi các em học sinh, như bắt nạt học đường. Em Q.A – HS trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, vấn nạn bắt nạt học đường tại trường học được nhà trường và bố mẹ quan tâm nên đã hạn chế nhiều. Nhưng, bắt nạt trên mạng, đặc biệt trên trang Confession, trẻ em dùng từ ngữ không phù hợp, ẩn danh để xúc phạm, bắt nạt người khác. “Chúng em nên làm gì để tránh trường hợp này?” – Q.A đặt câu hỏi?
 Trẻ em nêu ý kiến, đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan như bắt nạt học đường.
Trong khi đó, em H.P – HS trường THCS Nam Từ Liêm cho rằng: Người lớn đang bảo vệ trẻ em một cách thái quá, bảo trẻ em phải học trường này, trường kia... Vậy, trẻ em có quyền được tự quyết định cuộc sống của mình hay không?
Lại có ý kiến trẻ em cho biết, ở Việt Nam vẫn còn hiện tượng trọng nam kinh nữ; nhiều gia đình vẫn muốn sinh con trai. Trong các bữa tiệc gia đình, bạn nữ phải dọn dẹp còn bạn nam ngồi chơi, như thế không hợp lý.
“Bố mẹ con hay so sánh con với “con nhà người ta”, mỗi lần nghe thấy câu đấy là con rất ức chế, nổi điên lên và muốn cãi lại bố mẹ” - Em Y.T – HS lớp 6 Trường THCS Nam Từ Liêm chia sẻ. Còn em T.D – HS trường THCS Nam Từ Liêm than phiền việc, bố mẹ nhiều khi cũng làm sai, nhưng nếu mình nói thì bị bảo là bất hiếu.
Một vấn đề cũng được trẻ em quan tâm nhiều đó là quyền trẻ em. HS được học về Quyền trẻ em. Bố mẹ có thể biết nhưng rất ít khi cho trẻ em được thực hiện quyền tự do ngôn luận. Nếu trẻ em nói lại bố mẹ thì bị cho là bất hiếu. “Em thấy quyền trẻ em có nhưng chưa được lan tỏa, chưa được thực hiện” – Em M.T – HS trường THCS Nguyễn Đình Chiểu nhận định.
 Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quý Trang cho biết, hiện nay có hiện tượng HS bị trầm cảm do những áp lực tâm lý.
Phản hồi các vấn đề trẻ em nêu ra, Phó trưởng phòng, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu: “Các em hoàn toàn có quyền tham gia và thuyết phục bố mẹ lắng nghe mình. Tuy nhiên, khi thấy bố mẹ nói sai, làm sai, trẻ em nên bình tĩnh trao đổi, giải thích. Các em hãy sử dụng kết quả báo cáo Tiếng nói trẻ em, đọc cho bố mẹ nghe và cùng chia sẻ để bố mẹ hiểu được quyền của trẻ em, tôn trọng tiếng nói và trân trọng sự tham gia của các em...
Về vấn đề mất an toàn trên internet đang rất được các bạn HS quan tâm, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT Hoàng Minh Tiến chia sẻ: Trẻ em đôi khi còn sử dụng internet nhiều hơn người lớn. Các em hãy học hỏi những kĩ năng để trở thành các công dân số có trách nhiệm. Các em chính là người quyết định có tham gia vào việc bắt nạt trên mạng, gây ra những tổn thương đến các bạn hay không.
Mong rằng các em hãy lên tiếng để bảo vệ chính bản thân và các bạn mình, cùng nhau xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Các em hãy luôn nhớ đến sự trợ giúp của cha mẹ, thầy cô, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội khi gặp rắc rối.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quý Trang cho biết, các trường học đều có phòng tham vấn học đường, có các thầy cô luôn lắng nghe ý kiến của các con, sau đó trao đổi lại với cha mẹ, để có thể đáp ứng được mong muốn của HS.
Theo ông Nguyễn Quý Trang, hiện nay có hiện tượng HS do những áp lực tâm lý bị trầm cảm, phần lớn là do không có cơ hội giãi bày. Do đó, các thầy cô cũng rất mong muốn các con nói ra được ý kiến của mình; tương tự, ở nhà các con cũng có thể chọn những thời điểm phù hợp để trao đổi với bố mẹ.
Sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của Cục Trẻ em. Từ nhận định này, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Nga cho hay, quyền tham gia của trẻ em cần được bổ sung bằng các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng, trong gia đình, nhà trường, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở mọi tỉnh thành trên cả nước...
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần