Tre Việt Nam và Tổ quốc nhìn từ… dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tre Việt Nam là bài thơ Nguyễn Duy sáng tác thời còn trẻ, khi đang là một người lính thông tin. Bài thơ đã cùng một số tác phẩm khác giúp anh đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972. Tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông và các giáo trình đại học.

Nhiều ý kiến đã phân tích, bình luận, bình giảng, cảm nhận bài thơ đặc biệt này. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất khiến bài thơ thành công thì có ít người nói đến hoặc chỉ sơ sài vài nhận định trong phân tích của mình.

Theo chúng tôi, thành công của bài thơ, điểm khiến nó khác biệt và được yêu thích nằm chính ở chỗ: Tác giả có một điểm nhìn mới và khác với tất cả những ai đã viết về tre trước đó, đồng thời và ngay cả sau này. Chính ở cách quan niệm, cảm hứng, nghệ thuật diễn đạt thơ ca đã tạo nên một tác phẩm thành công vượt trội.
Tre Việt Nam và Tổ quốc nhìn từ… dân - Ảnh 1
Cái cốt lõi đó có thể diễn đạt bằng đẳng thức: Cây tre = Người dân = Nông dân = Việt Nam.

Trong thơ ca trung đại phương Đông cũng như Việt Nam, người ta nhìn về tre rất khác Nguyễn Duy. Họ không tạo cho anh bất cứ một tiền lệ cảm hứng chủ đạo nào theo hướng đó để tiếp thu. Đối với họ, tre chính là TRÚC với tính ước lệ (theo mô thức cũ) từ tên gọi.

Chỉ cần khảo sát một trường hợp tiêu biểu, cụ thể là chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.

Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi sáng tác Quốc âm thi tập, một tập thơ chữ Nôm đầu tiên của nền văn học Việt Nam với 254 bài. Trong tập này có đến 35 bài có hình ảnh Trúc xuất hiện, cộng thêm vào đó là mục TRÚC THI gồm ba bài tứ tuyệt thủ vĩ liên ngâm. Một con số rất ấn tượng về định lượng, nói lên rằng thi hào đã dành cho tre một ưu ái đặc biệt.

Trong 35 lần xuất hiện hình ảnh đó, ta dễ dàng “đọc” ra thông điệp của nó:

- Hình ảnh trúc cụ thể: 5 lần chỉ gậy trúc, máng nước trúc, pháo trúc.

- Hình ảnh trúc vừa cụ thể vừa biểu trưng cho không gian ẩn dật: 20 lần với các kết cấu am trúc, hiên trúc, ổ trúc, đường trúc, vườn trúc, cửa trúc, khóm trúc làm dậu, bóng trúc, bến trúc.

- Hình ảnh trúc biểu tượng cho bạn tri âm, người quân tử, kẻ trượng phu, tâm hư không, trúc hóa rồng: 10 lần còn lại.

Trong 3 bài còn lại, trúc được hình dung bằng: Người quân tử - kẻ trượng phu - trúc hóa long.

Nguyễn Trãi rất thạo nông nghiệp, sống trong không gian nông thôn để làm thơ Nôm, ông nhắc đến những kinh nghiệm, những giống má, sản vật, nhân vật nông dân nhưng với hình ảnh TRÚC, không có bóng dáng nông dân trong đó.

Văn học hiện đại ngay trước Nguyễn Duy, tiêu biểu là tùy bút Cây tre của nhà văn Thép Mới. Vốn là lời thuyết minh cho phim phóng sự Cây tre Việt Nam, tác phẩm đậm đà tính trữ tình, cấu trúc bằng những ngôn đoạn hướng đến sự âm vang của phát ngôn, tác phẩm là một áng văn đẹp đi vào giáo khoa của nhiều thế hệ và phải học thuộc lòng.

Trong tác phẩm này, tác giả khai thác hình ảnh tre chủ yếu như là “BẠN THÂN của nông dân Việt Nam, BẠN THÂN của Nhân dân Việt Nam” để đi đến “Tre, anh hùng xây dựng. Tre, anh hùng chiến đấu”. Tre thân thương, tre công cụ, tre vũ khí, tre thực phẩm, tre buộc chặt mối tình quê… là những phẩm chất tre được chú trọng thể hiện.

BẠN THÂN thì chưa phải là chính mình, cùng lắm là tri âm tri kỉ.

Tre của Nguyễn Duy là một bước đột phá ngoạn mục, đặc sắc. Tre trước hết chính là ta, là NÔNG DÂN, người DÂN. Những phẩm cách của tre là phẩm cách của chính người dân Việt. Một tích lũy chứa chan phẩm cách đó được hình dung cho tre. Những hình dung thân gầy guộc, chắt dồn (tính chắt bóp), siêng, bấy nhiêu cần cù, vươn mình, kham khổ, hát ru, yêu, khuất mình, thân bọc lấy thân, tay ôm tay níu, ở riêng, truyền đời, nòi (không là loài), lưng trần, manh áo cộc, nhường, con… Đó chính là người nông dân vậy, với dáng vẻ, cư ngụ, tinh thần, phẩm hạnh của họ.

Một phát hiện độc sáng của Nguyễn Duy là quan sát tre từ RỄ: Rễ siêng không ngại đất nghèo/Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù. Hình như chưa ai và không ai, cả trong thơ ca, nhìn tre từ góc nhìn này. Trong dân gian chỉ nói đến “tóc rễ tre” như một thành ngữ chỉ mái tóc xơ cằn, lởm chởm vì nắng gió. Có lẽ chỉ người lính đào hầm, ngồi hầm dưới những lũy tre mới có cái nhìn này: Từ trực quan về rễ tre, những rễ đứt trên vách hào, nước mát rịn ra như mồ hôi vai áo, dẫn đến một biểu hiện cho đức tính nhà nông.

Xác nhận điểm nhìn, góc nhìn là rất quan trọng cho một sáng tạo. Đem đến một điểm nhìn thế giới khách quan mới là một thành công cho bất cứ tác phẩm văn chương nào. Hay nói cách khác, mọi sáng tạo đích thực đều cung cấp cho độc giả một góc nhìn mới về thế giới vật ngoại.

Tuy nhiên, là thơ ca, những góc nhìn, những phát hiện đều phải được thể hiện bằng chất liệu ngôn ngữ thơ đẹp đẽ, phù hợp.

Chất liệu của Nguyễn Duy giàu chất dân gian, mang tính biểu hiện cao, kết hợp mô tả cụ thể. Thể lục bát được sử dụng (có biến tấu) là hẳn nhiên,  là thể dân tộc, truyền thống. Nhưng, qua diễn đạt, trước hết ta thấy sung mãn những thành ngữ và kiểu nói thành ngữ dân gian như gầy guộc - mong manh, nên lũy - nên thành, đất sỏi - đất vôi, rễ siêng không ngại đất nghèo, bao nhiêu - bấy nhiêu, nắng nỏ - trời xanh, thân bọc lấy thân, tay ôm - tay níu, thân gãy - cành rơi, phơi nắng - phơi sương, dáng thẳng - thân tròn, tre già - măng mọc…

 Mật độ kiểu thành ngữ là dày đặc trong một tác phẩm 15 cặp lục bát. Mức độ tập trung tín hiệu khiến bài thơ cứ như từ dân gian mọc ra một nòi tre quý giá đặc biệt. Vừa thân quen vừa kỳ diệu.

Tre chính là DÂN, người nông dân vĩnh hằng, tụ cư, cần cù chắt bóp, bao bọc nhau trong hoạn nạn, người nông dân bất khuất, người nông dân kham khổ vẫn hát ru lá cành, người nông dân truyền đời tồn tại cho cháu con, người nông dân là thành lũy cho quốc gia, cho dân tộc.

Trở lại với tiêu đề bài thơ: Tre Việt Nam. Rất tự tin của một nhà thơ trẻ. Định danh Việt Nam gắn trực tiếp với Tre như một sự khẳng định của một lớp thanh niên sinh ra trong kháng chiến chống Pháp, tham gia trực tiếp cuộc chiến tranh chống Mỹ vì độc lập dân tộc. Quốc hiệu đã trở thành một niềm tự hào, niềm tin vững chắc cần được phát ngôn xứng đáng. Với một thế hệ và suy nghĩ khác, họ có thể chỉ dùng tiêu đề: Tre xanh, Cây tre, Tre… chắc cũng đủ. Thơ là vĩnh hằng nhưng cũng ký tải tính thời điểm, thời đại của nó.

Vấn đề là, với Nguyễn Duy, đặc biệt qua thi phẩm Tre Việt Nam, đã tồn tại một quan niệm sáng tác vững bền trong suốt hành trình sáng tạo:

- Tổ quốc, nhìn từ… DÂN!
 Tre Việt Nam

Tre xanh

xanh tự bao giờ

chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?

 

Thân gầy guộc, lá mong manh

mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

ở đâu tre cũng xanh tươi

cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?

 

Có gì đâu, có gì đâu

mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều

rễ siêng không ngại đất nghèo

tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

 

Vươn mình trong gió tre đu

cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

 

Bão bùng thân bọc lấy thân

tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

thương nhau tre không ở riêng

lũy thành từ đó mà nên hỡi người

 

Chẳng may thân gãy cành rơi

vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

nòi tre đâu chịu mọc cong

chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

 

Lưng trần phơi nắng phơi sương

có manh áo cộc tre nhường cho con

măng non là búp măng non

đã mang dáng thẳng thân tròn của tre

 

Năm qua đi, tháng qua đi

tre già măng mọc có gì lạ đâu

mai sau

mai sau

mai sau…

đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

Nguyễn Duy
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần