Trên 15.600 hộ dân Sóc Sơn được vay vốn phát triển sản xuất

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về hoạt động cho các hộ dân vay vốn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Sóc Sơn Vũ Mạnh Thắng cho biết, đến nay đã hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2019, hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%.

Thưa ông, trong những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn đã triển khai cho người dân trên địa bàn huyện vay vốn phát triển sản xuất như thế nào?
Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn đang thực hiện 10 chương trình cho vay với tổng dư nợ hơn 394 tỷ đồng với trên 15.600 hộ. Các đối tượng chủ yếu được vay từ chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và chương trình quốc gia giải quyết việc làm.
Hàng năm, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được triển khai tới các xã, các thôn. Bây giờ, Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn đang thực hiện chương trình cho các hộ vay để xây sửa nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2) và nguồn vốn của huyện Sóc Sơn.
Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn trong việc chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng CSXH, chúng tôi đã chuyển 77 tỷ đồng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.
 Người dân huyện Sóc Sơn đang tìm hiểu chính sách vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thủy Trúc.
Ông đánh giá thế nào về các chương trình vay vốn trên địa bàn huyện Sóc Sơn thông qua nguồn ủy thác từ Ngân hàng CSXH?
Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn đã triển khai nguồn vốn Thành phố chuyển về 150 tỷ đồng cho các hộ nghèo vay. Nhờ nguồn vốn đó và các chương trình vay vốn, hàng năm tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Sóc Sơn giảm dần.
Đặc biệt, một số hộ nghèo đã thoát nghèo, được chuyển sang chương trình cho vay hộ nghèo bền vững. Phải khẳng định rằng, chương trình này, chúng tôi cũng triển khai hiệu quả. Bà con nông dân được tiếp cận nguồn vốn đã sử dụng vào việc phát triển sản xuất. Nhiều xã có làng nghề như Xuân Thu, Tân Hưng phát triển nghề mộc; xã Nam Sơn và Bắc Sơn đẩy mạnh chăn nuôi rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Qua rà soát hàng năm của phòng LĐTB&XH Sóc Sơn và cấp xã, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi rõ rệt, đến nay còn khoảng 4.000 hộ. Huyện Sóc Sơn phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 100% xã và về đích huyện nông thôn mới.
Để thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay, Ngân hàng CSXH đã có sự phối hợp với các phòng, ban, hội đoàn thể thế nào để rà soát, giám sát?
Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Khi nguồn vốn giao về cho các xã và tới các thôn, công tác bình xét các đối tượng ở cơ sở được thực hiện công khai minh bạch, chọn hộ vay đúng đối tượng, đúng người thừa hưởng, đúng đối tượng có nhu cầu vay vốn.
Công tác kiểm tra giám sát sau khi cho vay vốn cũng rất được quan tâm. Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn phân công cụ thể các thành viên thường xuyên đi giám sát tại cơ sở, kiểm tra hoạt động hội đoàn thể vay vốn từ cấp xã xuống cấp tổ và cấp hộ gia đình. Do việc kiểm tra, giám sát được thường xuyên và đôn đốc các hộ vay nên đã đem lại hiệu quả tích cực. Hàng năm số hộ vay nợ quá hạn giảm và không có phát sinh hộ mới.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần