Trên 46% giáo viên đồng ý đánh, mắng học sinh để duy trì kỷ luật

Thủy Trúc – Lệ Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Em từng bị bạn bè quấy rối chạm vào chỗ kín; các bạn trong lớp thường làm vậy cho vui” – một học sinh nam, trường THCS ở miền Nam cho biết.

Ngày 31/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo quốc gia Giới thiệu Bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”. Tại đây, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – Tổ tư vấn trong nước của UNESCO công bố báo cáo nghiên cứu bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện tại 6 tỉnh ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam), mỗi tỉnh 2 miền với 4 trường học THCS và THPT với 3.698 người, trong đó học sinh là 2.636 em.

Đại diện Tổ chức UN WOMEN giới thiệu bộ công cụ 'Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học'

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 41% các em nam và 28% các em học sinh nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực thể chất trong nhà trường. Có 32% các em nam và 25% các em nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực lời nói; 33% các em nam và 39% các em nữ bị bạo lực xã hội….

Đi sâu vào các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 10,7% học sinh cho rằng “Thỉnh thoảng học sinh đánh nhau là chuyện bình thường”. Một phát hiện tương đáng lưu ý, đó là có tới 46,2% học sinh và 46,3% giáo viên đồng ý với “Đôi khi giáo viên cũng phải đánh, mắng học sinh để duy trì kỷ luật”.

Học sinh đồng tính (LGBT) có nguy cơ gặp phải các hình thức bạo lực học đường trên cơ sở giới cao hơn đáng kể so với các bạn cùng trang lứa. “Em bị nhốt trong một căn phòng và bị đánh đạp sau khi tiết lộ em đồng tính. Vì bạn bè coi những người như em làm cho trường học không trong sạch” – một học sinh đồng tính nam ở miền Trung chia sẻ.

Học sinh nam có nguy cơ trở thành nạn nhân lớn hơn về bạo lực thể chất, với tỷ lệ 64,7%, trong khi nữ là 51,1%, học sinh LGBT 71%.

Điều đáng lưu ý đối với kết quả nghiên cứ khảo sát này, chính là cán bộ nhân viên nhà trường đôi khi là chủ thể gây ra bạo lực học đường trên cơ sở giới. Một học sinh nữ, trường THCS ở miền Bắc chia sẻ: “Có giáo viên gọi một bạn và bạn của bạn ấy là “ngu như bò” trước mặt cả lớp”.

Trong khi ấy, một học sinh đồng tính ở miền Bắc cho hay: “Em cảm thấy không được tôn trọng. Thầy nói em không phải là con trai và viết một vài điều gì đó lên bảng để minh họa. Hay, “Một giáo viên khác đã véo tai chúng em vì chúng em không làm được bài tập”.

Trong khuôn viên nhà trường, có nhiều chỗ học sinh không cảm thấy an toàn. Đặc biệt là khu nhà vệ sinh hoặc những chỗ xa văn phòng nhà trường hoặc xa chỗ thầy cô giáo hay những chỗ không có các phương tiện theo dõi, giám sát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần