Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trên 70% dự án bất động sản nghỉ dưỡng không có giao dịch

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm Condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, thị trường Condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

Theo đó, những khu vực dẫn đầu về thị trường Condotel như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường Condotel là do khung pháp lý vẫn chưa thực sự rõ ràng; tiếp đó do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh đó, vẫn còn đó những tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng.
“Có đến 2/3 dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch, nhưng điểm sáng trong thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm là giai đoạn cuối tháng 9/2020.Thời điểm này,đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các Dự án Du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình như tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… Đặc biệt, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước” – ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng đang có mức độ phục hồi chậm. (Ảnh: Doãn Thành).
Đồng quan điểm, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương Mauro Gasparotti cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thực tế đã bắt đầu quá trình hồi phục, điều này có được từ sự manh nha trở lại của dòng khách nội địa và cần tập trung đẩy mạnh thị trường này bằng cách đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch. Rào cản lớn của du lịch hiện nay chính là tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhưng chỉ là tạm thời, còn về lâu dài, du lịch Việt Nam rất tiềm năng.
Năm 2019, khách nội địa đạt 85 triệu trên tổng số 103 triệu lượt du khách. Bên cạnh đó, du khách Việt Nam xuất ngoại đã đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, từ 4,8 triệu chuyến đi trong năm 2012 lên tới 8,6 triệu chuyến đi trong năm 2018. Nhóm du khách này có nhiều kinh nghiệm du lịch và có mức chi tiêu cao hơn, họ sẽ có xu hướng khám phá những điểm đến mới tại Việt Nam trong thời gian tới khi hầu hết các thị trường du lịch quốc tế đều chưa mở cửa và những thuận lợi về khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn cũng sẽ giúp cho hoạt động du lịch sớm trở lại ngay sau khi chấm dứt dịch bệnh.
“Những con số về khách du lịch nội địa rất đáng lạc quan, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường vẫn chưa thể phục hồi ngay như kỳ vọng và sẽ cần thêm thời gian để “tái tạo” và tăng sức bật” - Mauro Gasparotti nhận định.
Các chuyên gia dự báo, Việt Nam có thể mất nhiều năm để ngành du lịch nghỉ dưỡng phục hồi như trước đại dịch, mặc dù hiện nay thị trường đang có những dấu hiệu khả quan nhờ nguồn cầu của khách nội địa.