Trí tuệ nhân tạo phải hướng tới ứng dụng thực tiễn

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/8, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam 2018”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt chia sẻ về những phương pháp, kỹ thuật, công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực AI được lồng ghép với các nội dung về định hướng chính sách, nguồn lực làm nền tảng cho nghiên cứu và phát triển AI trong thời gian tới tại Việt Nam.
 Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duyphát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ về vấn đề tuệ nhân tạo (AI), TS Lê Viết Quốc – Phụ trách Google Brain nhận định, đột phá lớn nhất của AI trong thời gian qua là nhận diện hình ảnh. Nói về tốc độ vi xử lý của một chiếc máy tính thay đổi một cách chóng mặt, ông Quốc ví von, năm 2000 tốc độ vi xử lý của máy tính bằng bộ não của con bọ nhưng tốc độ phát triển của nó đang ngày một nhanh, tới năm 2020 tốc độ xử lý sẽ tăng lên đạt trình độ xử lý não 1 con người và tới năm 2040 tất cả các bộ con người cộng lại sẽ thua một máy tính.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy của máy tính sẽ có nhu cầu nhân lực rất cao, dự báo để có thể đáp ứng với tốc độ phát triển của máy tính cần phải có 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao trong khi hiện nay mới chỉ có khoảng 10.000 nhân lực cấp cao. Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Để có thể tận dụng cơ hội này, ông Quốc đề xuất cần phải thay đổi lại chương trình dạy học, cụ thể đưa các giáo trình và chương trình học về công nghệ máy tính vào ngay từ cấp trung học phổ thông trở lên, “đưa chương trình xây dựng phần mềm vào giai đoạn đại học là quá muộn” – ông Quốc cho biết. Bên cạnh đó, ông Quốc cũng đưa ra hai mô hình chính phủ có thể tham khảo để đầu tư cho AI, là Mỹ và Trung Quốc.
 

Lãnh đạo Bộ cùng các nhà khoa học, chuyên gia trao dổi, chia sẻ hội thảo Trí tuệ nhân tạo.

Trao đổi thêm về vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI), Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, trí tuệ nhân tạo phải hướng tới ứng dụng, tập trung vào ứng dụng và thực tiễn phát triển sản phẩm. Năm 2018 có thể nói là năm mà cộng đồng AI Việt Nam có cơ hội thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ về AI. Từ những ý tưởng ban đầu, đến nay AI đã mở rộng hơn, hướng đến cuộc sống, ứng dụng và có bước phát triển vượt bậc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong các cơ hội nghiên cứu, phát triển AI, Việt Nam có tận dụng được để vươn lên trở thành quốc gia đi đầu hay không đang là bài toán cần lời giải.