Trí tuệ nhân tạo, robot đang tạo ra tin tức

Theo báo Tiền Phong
Chia sẻ Zalo

Các thuật toán biến dữ liệu thành tin tức tường thuật theo thời gian thực, nên nhiều cơ quan báo chí ở châu Á-Thái Bình Dương đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để sản xuất, phân phối tin tức một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

 Đại diện Xinhua giới thiệu về người dẫn chương trình tin tức AI (trên màn hình) của hãng tại Bắc Kinh. Ảnh: Thái An

Robot phóng viên ở Mỹ
Chương trình nội dung tự động hóa Cyborg của Bloomberg (Mỹ) năm ngoái cho ra lò hàng nghìn bài báo dựa trên các báo cáo tài chính. Vì dữ liệu tài chính được tính toán và công bố thường xuyên nên Bloomberg nhập số liệu đầu vào rồi Cyborg biến chúng thành tin tức giống như một phóng viên phụ trách mảng tài chính-kinh doanh vậy.
Forbes (Mỹ) cũng sử dụng một công cụ AI gọi là Bertie để hỗ trợ phóng viên viết tin bài. Bertie cung cấp các khuôn mẫu có sẵn và các bản nháp đầu tiên để phóng viên dựa vào đó nhanh chóng phát triển, hoàn chỉnh tin bài.
The Washington Post (Mỹ) cũng có một chương trình robot viết tin gọi là Heliograf. Trong năm đầu tiên, Heliograf cho ra lò xấp xỉ 850 bài báo và giúp tờ báo này đoạt giải “Sử dụng robot một cách xuất sắc” cho loạt tin bài về bầu cử năm 2016.
Nhưng The Washington Post (Mỹ) không sử dụng Heliograf để thay thế nhà báo mà để hỗ trợ họ, giúp công việc của họ diễn ra nhanh hơn, dễ hơn. Chương trình này có thể phát hiện các xu hướng trong lĩnh vực tài chính và dữ liệu lớn (big data) để báo trước cho phóng viên.
The Los Angeles Times (Mỹ) đang dùng AI để đưa tin về động đất dựa trên dữ liệu từ cơ quan địa chất Mỹ và theo dõi thông tin về tất cả các vụ giết người diễn ra trong thành phố Los Angeles. Phóng viên robot có thể đưa vào các bài báo của mình cả núi dữ liệu, bao gồm giới tính, chủng tộc của người chết, nguyên nhân tử vong, sự tham gia của cảnh sát, địa điểm và năm nạn nhân bị giết.
Hãng tin AP (Mỹ) ước tính, AI giúp giảm khoảng 20% thời gian phóng viên dành cho việc đưa tin tài chính (doanh thu, lợi nhuận… của các công ty) và có thể tăng độ chính xác. Điều này giúp phóng viên có thêm thời gian tập trung vào nội dung và cách kể chuyện đằng sau mỗi bài báo, thay vì kiểm tra số liệu và nghiên cứu cả đống thông tin.
“Công việc báo chí là sáng tạo, là về sự tò mò, về kể chuyện, là về đào bới thông tin và bắt các chính phủ chịu trách nhiệm, là về tư duy phản biện, là về đánh giá… Chúng tôi muốn các nhà báo tập trung năng lượng của họ vào những thứ đó”, bà Lisa Gibbs, người phụ trách lĩnh vực hợp tác tin tức của AP, nói.
Sản xuất tin video trong vòng 10 giây
Tháng 6/2018, Xinhua (Trung Quốc) nâng cấp một nền tảng hợp tác người-máy để nâng cao hiệu quả và chất lượng hệ thống sản xuất tin tức dựa trên AI của hãng. Nền tảng có tên MAGIC này là sự kết hợp của MGC (nội dung do máy tạo ra) và AI, được thiết kế để tích hợp mọi giai đoạn sản xuất tin, từ tìm kiếm đầu mối tin tức tới tổng hợp, biên tập, phân phối tin và cuối cùng là phân tích phản hồi.
MAGIC được hỗ trợ bởi 4 tiểu hệ thống thông minh, gồm khai phá dữ liệu (data mining), cơ sở dữ liệu thông minh, thuật toán AI và hệ thống gợi ý, đề xuất.
Một trong những tính năng tăng cường của MAGIC là sản xuất tin siêu nhanh – có khả năng tổng hợp, biên tập và sản xuất tin video trong vòng 10 giây. Mùa bóng đá World Cup 2018, MAGIC chỉ cần vài biên tập viên để sản xuất ra 37.581 video ngắn. Chỉ mất 6 giây để tạo ra một video clip pha ghi bàn thắng.
Nền tảng MAGIC, còn gọi là Media Brain (Bộ não truyền thông) 2.0, ra đời 6 tháng sau khi Xinhua tung ra phiên bản Media Brain đầu tiên – nền tảng đầu tiên ở Trung Quốc kết hợp điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và công nghệ AI để sản xuất tin tức.
Tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018, MAGIC được kết hợp với Live Cloud – một nền tảng di động để thu thập, sản xuất và phân phối tin tức để tạo ra một dây chuyền sản xuất nội dung mới. Trong 6 ngày hội chợ, MAGIC và Live Cloud đã tạo ra được 554 video clip với hơn 38 triệu lượt xem.
Trong kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc năm 2019 vừa qua, MAGIC được sử dụng để diễn dịch, giải thích báo cáo công tác của chính phủ. Nền tảng này tạo ra các video ngắn thông qua việc phân tích và biên tập thông minh, sử dụng dữ liệu lớn và AI. Video đầu tiên có hơn 130 triệu lượt xem.
Xinhua cũng là hãng tin đầu tiên trên thế giới tạo ra người dẫn chương trình AI, dùng các công nghệ AI mới nhất để tạo ra bản sao kỹ thuật số của một người dẫn chương trình tin tức bằng xương bằng thịt.
Người dẫn chương trình AI được mô phỏng với các công nghệ về tổng hợp và nghiên cứu sâu về giọng nói, chuyển động của môi, biểu cảm khuôn mặt lấy từ các buổi phát tin với người dẫn chương trình bằng xương bằng thịt.
Chương trình AI có thể tự động biến văn bản tiếng Trung hoặc tiếng Anh thành video có nội dung tương ứng và bảo đàm rằng âm thanh phát ra khớp với chuyển động của môi và biểu cảm khuôn mặt trong video.
Người dẫn chương trình AI có thể truyền tải đúng thông tin như người thật vẫn làm. Điều khác biệt duy nhất là người dẫn AI có thể làm việc 24 giờ mỗi ngày mà không biết mệt.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đã phát triển và vận hành thành công những phóng viên robot sử dụng AI. Soccerbot là nhà báo robot đầu tiên của Yonhap, được phát triển để tường thuật kết quả các trận bóng đá trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh. “Soccerbot vận hành qua 3 giai đoạn: Động cơ chọn lọc dữ liệu (Data Scraping Engine) thu thập dữ liệu mỗi trận đấu, sau đó sử dụng Thuật toán soạn thảo văn bản (Text-Writing Algorithm) để tự động sắp xếp câu chữ từ những dữ liệu đã có thành một bài viết trọn vẹn, và cuối cùng là dùng chức năng Định dạng bài báo (Article Template) để hoàn chỉnh các bài báo bằng việc chia nhỏ các cấu trúc câu và điều chỉnh chúng cho phù hợp nhờ công nghệ mô phỏng cách hành văn của các nhà báo-con người”, TTXVN dẫn lời ông Cho Sung-boo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn Yonhap. Từ tháng 1-5/2018, Soccerbot đã tạo ra 169 bài báo về các trận đấu trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh.
Olympicbot là một phóng viên AI được Yonhap phát triển để đưa tin về Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Olympicbot có khả năng tự bình luận diễn biến của các trận đấu và sản xuất hàng loạt bài báo có nội dung đa dạng, từ lịch trình các sự kiện sắp tới, tin tức về các trận đấu, bảng tổng sắp huy chương, và quan trọng hơn là tường thuật cả những sự kiện vốn không thường xuyên được phóng viên bao quát do hạn chế về thời gian và sức lực. Olympicbot đã tự động sản xuất 1.190 bài báo về Olympic và Paralympic PyeongChang.
 Phóng viên Việt Nam trao đổi với đại biểu quốc tế bên lề Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 44 tại Hà Nội. Ảnh: Thái An.

Chủ động ứng phó các trào lưu mới
Hội nghị Ban chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44 khai mạc sáng 19/4 tại Hà Nội, do TTXVN đăng cai tổ chức. Hội nghị có chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”.
Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi phát biểu: “Dân số thế giới hiện khoảng 7,7 tỷ người, 52% trong số đó là cư dân mạng. Họ sử dụng mạng không chỉ để giao tiếp mà còn để cung cấp thông tin. Chính điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt chưa từng có đối với báo chí chính thống”. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính. Đó là: “Chiến lược của các hãng thông tấn để ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin”; “Tin giả và kiểm chứng thông tin”; và “Giành lại niềm tin với báo chí chính thống”.
Ông Aslan Aslanov, Chủ tịch OANA, Tổng giám đốc hãng tin AZERTAC (Azerbaijan), nói: “Có một thực tế mà ai trong chúng ta cũng biết rằng, sự phát triển của công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ cho nền báo chí hiện đại. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến, là động lực thôi thúc chúng ta giải quyết các thách thức mới nổi. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của tất cả chúng ta là kịp thời ứng dụng và tranh thủ những lợi ích mà công nghệ hiện đại mang lại và sẵn sàng chủ động ứng phó với các trào lưu mới”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần