Triển khai kinh doanh xăng E5: Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù DN than khó trong quá trình triển khai kinh doanh xăng sinh học (xăng E5) nhưng không thể trì hoãn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành công thương sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời quyết liệt kiểm tra việc thực hiện của DN. Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội tại hội nghị triển khai kinh doanh xăng sinh học E5 trên địa bàn TP Hà Nội vừa được tổ chức.
Doanh nghiệp băn khoăn

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện 159/489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội đã bán xăng E5 thay thế xăng RON 92. Đồng thời 150 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã xây dựng kế hoạch xúc rửa bể để chuyển đổi kinh doanh xăng E5 trong tháng 12/2017 và đăng ký nhập hàng đối với các DN đầu mối, đảm bảo từ ngày 1/1/2018 chỉ kinh doanh xăng E5 và xăng RON 95. Tuy nhiên có 10 DN lấy lý do cửa hàng chỉ có một bể chứa xăng dầu nên chỉ đăng ký kinh doanh xăng RON 95.

Mua bán xăng tại cửa hàng trong khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Tự Lực I Nguyễn Văn Tiu cho biết, hiện nay 80% cửa hàng chỉ có một bể chứa xăng dầu, một cột bơm thuần túy kinh doanh xăng Ron 92. Để chuyển đổi sang xăng E5 và Ron 95 thì buộc phải đầu tư thêm bồn bể, máy móc thiết bị. Việc này gây ảnh hưởng đến thiết kế công trình và các yếu tố đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, giá chênh lệch giữa xăng E5 và Ron 95 hiện chỉ khoảng 700 đồng/lít nên người tiêu dùng có thể chuyển hướng lựa chọn Ron 95 thay cho xăng E5. Ngoài ra, hoa hồng cho DN kinh doanh xăng E5 khá thấp cũng là vấn đề cần được tháo gỡ.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 1 Nguyễn Thị Thu Hiền nêu rõ: Một số khách hàng không sử dụng xăng E5 do lo ngại xăng E5 sẽ ảnh hưởng tới độ bền của máy móc. Tại hội nghị, nhiều DN kinh doanh xăng dầu cũng bày tỏ lo lắng về nguồn cung xăng E5 trong dài hạn có thể bảo đảm, nhưng trong ngắn hạn, đặc biệt là trong tháng đầu tiên triển khai bán xăng E5 không tránh khỏi áp lực thiếu nguồn cung cấp. Bởi dù có tới 30 đầu mối nhập khẩu và 2 nhà máy sản xuất nhưng chỉ 1/6 trong số đó có trạm phối trộn. Áp lực về nguồn cung sẽ dồn lên một số đầu mối chính như Petro, PV Oil… DN kinh doanh xăng dầu đề xuất ngành công thương Hà Nội cần có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, cụ thể đề nghị liên bộ Công Thương – Tài chính trong thời gian đầu giữ ổn định giá xăng E5, đảm bảo nguồn hàng và tăng chiết khấu cho đại lý lên mức tối thiểu 1.000 đồng/lít.

Quyết liệt vào cuộc

Trước việc các DN lấy lý do gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi kinh doanh xăng RON 92 sang xăng E5 để trì hoãn hoặc chỉ bán xăng RON 95, Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ: Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi kinh doanh xăng RON 92 bằng xăng E5 nên yêu cầu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải báo cáo lượng tồn kho RON 92 hạn cuối cùng vào ngày 18/12 và gửi lên Sở Công Thương trước ngày 25/12. Ngoài ra, phải cải tạo hệ thống bồn bể xong trước ngày 20/12.

Theo Sở Công Thương, TP sẽ không thiếu nguồn cung xăng E5, vì cả nước có 4 nhà máy đang sản xuất, riêng tại Hà Nội đang đấu nối đường ống để đưa xăng E5 từ Quảng Ninh về. Các DN kinh doanh xăng dầu cần khẩn trương đăng ký, ký hợp đồng với các DN đầu mối xăng E5 để có nguồn cung ứng. Trong quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo Sở Công Thương để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Về vấn đề bảo đảm lợi nhuận khi kinh doanh xăng E5, Sở Công Thương đề nghị các DN đầu mối cung ứng với mức giá tốt nhất cho các DN bán lẻ. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bảo đảm chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh, chống gian lận thương mại và bán hàng bảo đảm chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. “Từ nay đến 30/12, khi tiêu thụ hết RON 92 ở dưới bể, các DN cần tiến hành xúc rửa bồn bể ngay. Sau ngày 1/1/2018, Chi cục Quản lý thị trường sẽ tiến hành hướng dẫn kiểm tra việc DN kinh doanh xăng E5” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ.