Triển khai Nghị quyết 19: Doanh nghiệp vẫn ngược xuôi lo thủ tục

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh” do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức sáng 24/5 vẫn ghi nhận nhiều ý kiến DN về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên mở, dưới bóp”.

 Triển khai Nghị quyết 19/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, quy định hàm lượng bổ sung muối iôt theo yêu cầu của Bộ Y tế ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất. “Do iốt dễ ôxy hóa và biến chất trong quá trình chế biến, ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị, cảm quan của sản phẩm nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, iốt rất dễ bay hơi, có thể tại thời điểm sản xuất thì có iốt nhưng đến khi kiểm nghiệm, chất này lại bốc hơi gần hết, không thể hiện trong kết quả”.
Sau khi ban hành, quy định này đã vấp phải phản ứng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo gỡ vướng cho DN, không yêu cầu phải sử dụng muối chứa iôt tại các nhà máy chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn tiếp tục hướng dẫn các DN có sử dụng muối trong chế biến đều phải sử dụng muối có tăng cường iốt. “VASEP cho rằng văn bản của Bộ Y tế chưa đúng với tinh thần của Phó Thủ tướng. Vì thế hàng loạt ngành hàng khác cũng đang lúng túng khi phải chuyển sang dùng muối iôt cho chế biến” - ông Nam bức xúc.

Ông Trần Quang Trung - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nêu một ví dụ khác về trường hợp quy định làm khó DN. Theo Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản thì các lô hàng nhập khẩu của DN đều phải kiểm dịch tại cửa khẩu nhập hàng và khi có kết quả kiểm dịch mới được phép đưa hàng về kho. Có những lô hàng được Mỹ, châu Âu cấp phép nhưng về Việt Nam vẫn bị kiểm định, nằm hàng chục ngày ở cảng. Do đặc thù của hàng đông lạnh, nếu để lâu ngoài cảng ngoài việc phải tốn chi phí lưu kho, lưu bãi khá lớn mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng đông lạnh.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, khẳng định: Hàng loạt bộ, ban, ngành chậm cải cách, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ. Kết quả về cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng nhiều nơi "bỏ 1 tăng 10". "Nếu những Luật sắp tới ban hành, chúng ta không thay đổi, vẫn theo lối đưa ra các điều kiện kinh doanh can thiệp vào hoạt động của DN, thêm các giấy phép con, cháu, chúng ta sẽ tiến nhanh hơn quá trình đuổi DN ra khỏi thị trường sớm hơn” - ông Cung nói.

Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ đề cập tới thời hạn tháng 10/2018 sẽ ban hành một nghị định về đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, song theo CIEM, đến nay chỉ có Bộ Xây dựng đến gần ga cuối và 5 Bộ: NN&PTNT, GTVT, Y tế, TN&MT, Tư pháp đã soạn thảo Nghị định nhưng chưa trình. Thời gian từ nay đến tháng 10 chưa chắc đã đủ nếu các bộ, ngành không làm nhanh.