Triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử: Kịp thời uốn chỉnh những ứng xử lệch chuẩn

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua nửa năm đưa vào thực hiện, những quy định của 2 bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn TP đang dần phát huy tác dụng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhưng vẫn còn một số cán bộ thờ ơ với quy tắc.

Giám sát từ công nghệ và mạng xã hội
Chỉ trong vòng một tháng, Hà Nội có 2 vụ việc của Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân và cán bộ bộ phận một cửa phường Văn Miếu (quận Đống Đa) trở thành tâm điểm bàn tán của mạng xã hội. Vụ việc đỗ xe sai quy định của Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cùng đồng nghiệp vốn chỉ là một va chạm nhỏ, nhưng thực sự là một bài học lớn trong cách ứng xử của cán bộ với dân, người dân với cán bộ trong đời sống thường nhật, và đặc biệt hành động ấy đã lọt vào "khuôn hình" của mạng xã hội.
“Đối với những người dân bình thường, khi hành động lệch chuẩn của họ chẳng may bị đưa lên mạng xã hội có thể không gây chú ý nhiều với dư luận. Nhưng với người là cán bộ, công chức, người có địa vị hay người của công chúng thì những hành vi, ứng xử không đẹp, không chuẩn mực sẽ nhanh chóng trở thành câu chuyện bàn tán, phê phán mạnh trên mạng, rồi báo chí vào cuộc” - TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm.

Ảnh:  Hải Linh

Tiếp đến là vụ việc chậm cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu. Quy trình, cách thức làm việc của cán bộ bộ phận một cửa và Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu đúng hay sai đã có kết luận của Đoàn thanh tra TP. Bàn ở góc độ giám sát của mạng xã hội, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu ở thời đại trước, công nghệ và mạng xã hội chưa phát triển thì vụ việc dễ bị bỏ qua. Ông Thuận phân tích: Ở đây có 2 vấn đề, trước hết là việc người dân phải mất khá nhiều thời gian đi xin các giấy tờ, thủ tục hành chính ở chính quyền cấp phường, xã mà dư luận, báo chí đã phản ánh thời gian qua. Thứ hai, là thái độ ứng xử của một số cán bộ, công chức trong việc tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính.
“Cán bộ, nhất là cấp xã, phường, ở bộ phận tiếp dân là nơi gần dân nhất, nên mỗi việc làm, hành vi ứng xử của họ đều được người dân để ý, coi đó là “bộ mặt” của cơ quan cũng như đại diện cho Đảng, Nhà nước. Cá nhân tôi cho rằng, quan trọng nhất với cán bộ tiếp dân phải là người có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật, quy trình thủ tục, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực với người dân. Nếu cử một người dù là công chức xã, phường nhưng lại không am hiểu, cư xử đúng mực thì hoàn toàn không được, mà người có trách nhiệm, thẩm quyền cử cán bộ như thế cũng cần phải bị kiểm điểm” - ông Thuận bày tỏ.
Không thiếu những điển hình
Trong cuộc kiểm tra của Ban chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020 tại Quận ủy Hai Bà Trưng mới đây, rất nhiều điển hình ứng xử thể hiện rõ nét đẹp thanh lịch văn minh của người dân Thủ đô. Tại tổ dân phố 5A, địa bàn dân cư Đại học Kinh tế quốc dân, phường Đồng Tâm có nhiều dân cư sống xen lẫn ký túc xá đại học, nhưng tổ dân phố đã triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử đến từng hộ dân. Nhân dân trong tổ coi trọng giữ gìn VSMT, cảnh quan ngõ phố, tổ chức xé tờ dán rao vặt, quảng cáo, khơi thông cống rãnh... Tổ dân phố 14A, 14B, địa bàn dân cư 14, phường Bạch Mai có đặc thù nhiều hộ dân cư sống xen lẫn các chung cư cao tầng, nhưng đã thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tổ dân phố tích cực tuyên truyền, vận động, các hộ dân nghiêm túc chấp hành, ra quân xé quảng cáo rao vặt, vận động 100% hộ kinh doanh đường phố khắc phục biển hiệu sai quy định, sơn quét vôi mặt tiền, không khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp...
Tại quận Hà Đông, Trưởng phòng VH&TT Phạm Đức Hòa cho biết, ngay sau khi 2 bộ quy tắc ứng xử được ban hành, quận đã nhanh chóng triển khai và được sự đón nhận của đông đảo các cơ quan, đơn vị và người dân. Quận cũng tiến hành phát tập gấp tuyên truyền về quy tắc ứng xử, tổ chức phát thanh đến các địa bàn dân cư. Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là những người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy tắc ứng xử. Trước đó, Hà Đông vốn là địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Do vậy, việc triển khai các bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống tương đối thuận lợi, tạo thêm chuyển biến trong ý thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức cũng như Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa.
Không chỉ có hệ thống chính quyền, mà nhiều hình ảnh đẹp được uốn chỉnh từ việc triển khai quy tắc ứng xử đã được lan tỏa từ các di tích. Đền Ngọc Sơn - trọng điểm của du lịch Thủ đô đã đưa các quy định của bộ quy tắc vào nếp hoạt động. Biển bảng tuyên truyền bộ quy tắc được in 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Trung… ngay khu vực trước đường vào cầu Thê Húc. 100 bộ trang phục áo choàng cho du khách mượn miễn phí vào khu trong đền duy trì đều đặn. Tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, dù là trang phục cho du khách mượn vào khu nội tự nhưng cũng được một nhà thiết kế nước ngoài thực hiện. Tuy thời gian đầu có nhiều ý kiến về sự bất tiện, nhưng sau khi hiểu là quy định, là nét văn hóa, nên du khách đã vui vẻ chấp hành.
Tìm cách đi vào thực tiễn
Hai bộ quy tắc ứng xử đưa vào thực tiễn mới được nửa năm, thời gian còn quá ngắn để khẳng định tính hiệu quả. Tuy vậy, 2 bộ quy tắc này cũng không tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình triển khai và đã được các cơ quan chức năng chỉ ra để tìm giải pháp khắc phục, tạo điều kiện tốt cho các bộ quy tắc ứng xử “sống” được lâu bền trong thực tiễn. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong thẳng thắn thừa nhận, cho dù đã triển khai tuyên truyền thường xuyên, nhưng có nơi chưa thực sự đi vào chiều sâu, một bộ phận người dân ý thức chưa cao trong việc chấp hành các quy định Nhà nước, còn thiếu ý thức trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến cảnh quan, đô thị.
Khi đề cập đến vấn đề thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng, 2 bộ quy tắc này là trọng tâm trong phát triển văn hóa Hà Nội, vì vậy cơ quan chức năng TP cũng như các quận, huyện đang quan tâm triển khai. Với những cách làm tốt, TP tiếp tục nhân rộng và điều chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc. Điều quan trọng để làm sao cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người dân đón nhận, lúc đó các bộ quy tắc sẽ phát huy được hết hiệu quả của nó.
UBND TP Hà Nội ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử là tín hiệu rất đáng mừng. Điều này cho thấy Hà Nội kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong ứng xử của cán bộ, công chức. Theo tôi, đây cũng là một khâu trong cải cách hành chính, hướng tới việc phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn, để hình ảnh cán bộ công chức, viên chức đẹp hơn trong con mắt người dân. Và ngược lại, người dân cũng cần có những chuẩn mực ứng xử ở môi trường sinh hoạt của mình.
TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Là cán bộ, công chức không được nghĩ đơn giản là chỉ cần ứng xử tốt trong cơ quan, trong giờ hành chính. Hết giờ làm việc, ai cũng trở về với cuộc sống đời thường, khi giao tiếp với xóm giềng, bạn bè, cộng đồng, người cán bộ vẫn phải giữ được cách ứng xử văn hóa trên tinh thần tôn trọng người khác.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần