Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần thứ 11: Tôn vinh di sản ngàn năm

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Đưa triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần thứ 11 với chủ đề “Dấu ấn di sản kiến trúc Hà Nội” vào Khu trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long là chủ ý của Ban tổ chức nhằm tôn vinh và góp tiếng quảng bá di sản của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Món quà mừng Ngày Giải phóng
Tháng 10 đã trở thành điểm hẹn của triển lãm “Hà Nội trong tôi” với người yêu nhiếp ảnh và Hà Nội. Phải nói rằng đây là món quà thường niên mà báo Kinh tế & Đô thị và Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội chọn riêng mỗi năm để mừng Ngày Giải phóng Thủ đô.
Mỗi năm một chủ đề, những khoảnh khắc đẹp đã ghi dấu ấn của từng chặng đường mà Hà Nội đã đi qua. Và ở mốc kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2016) – cũng là năm thứ 11 của triển lãm này, “Hà Nội trong tôi” chọn chủ đề “Dấu ấn di sản kiến trúc Hà Nội”.

Những mái ngói thơm nâu, biểu tượng của Hà Nội xưa. Ảnh: Lê Vượng

Không chỉ thể hiện niềm tự hào khi nhìn về mảnh đất giàu vốn di sản và văn hóa, người làm triển lãm còn muốn khẳng định những giá trị to lớn của di sản kiến trúc hàng ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội. Hơn thế còn muốn góp tiếng nói tăng cường bảo tồn sự đa dạng của văn hóa kiến trúc và ghi nhận sự phát triển giao thoa văn hóa qua các thời kỳ trong từng công trình, cụm công trình. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô giàu bản sắc văn hóa, kiến trúc, hòa nhập với không gian văn hóa xã hội của cộng đồng, điểm du lịch hấp dẫn đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Chùa Tây Phương. Ảnh: Văn Phúc

Ở triển lãm năm thứ 11 này, “Hà Nội trong tôi” có sự tham gia không chỉ của các hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi mà còn có sự góp sức của các phóng viên, cộng tác viên báo Kinh tế & Đô thị. Trong đó có những “tay máy” rất đặc biệt. Ấy là lão NSND Lê Vượng – một nghệ sĩ danh giá của làng nhiếp ảnh trong nước, cũng là người giữ trong tay một kho ảnh đẹp về Hà Nội. Ông là thành viên lâu năm của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi, giờ ở tuổi 98, ông vẫn là thành viên danh dự của Câu lạc bộ. Điều đặc biệt là tay máy lão làng ấy vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Lớn – Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội. Bức ảnh chụp Phố Cổ Hà Nội với cái tên như một lời bình “Những mái ngói thâm nâu, biểu tượng của Hà Nội xưa” của ông trong triển lãm này đẹp như một bức họa. Nó khiến người ta không khỏi liên tưởng đến “Phố Phái” của danh họa Bùi Xuân Phái. Cái đẹp thâm trầm và yên bình là thế, nhưng chất chứa và hiển hiện ở đó một trái tim yêu Hà Nội đậm sâu và hiểu Hà Nội đến tận gốc rễ. Cái đẹp trầm tư ấy ẩn trong nó một tâm niệm, cũng là một quan điểm mà người nghệ sĩ đã mang theo suốt những tháng năm cầm máy: “Tôi không bao giờ lưu lại những khoảnh khắc xấu của Hà Nội. Bạn bè bốn phương sẽ thấy Hà Nội của tôi lúc nào cũng đẹp”. Ấy còn là chàng trai trẻ Ngô Quý Đức – tác giả trẻ tuổi nhất của triển lãm lần này, nhưng lại là thủ lĩnh của nhóm MyHanoi – nơi được đặt tên là “mái nhà chung” dành cho những bạn trẻ có tình cảm với Hà Nội. Dường như tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, Đức đã dồn hết vào những bức ảnh chụp Hà Nội, những hoạt động góp phần bảo tồn vốn cổ của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Thế nên dù chủ nhân của bức ảnh “Sáng sớm trên phố Hàng Bông” rất kiệm lời, thì người xem vẫn dễ dàng cảm nhận được tình yêu Hà Nội quý giá trong trái tim chàng trai Hà thành này...
Món quà mừng Ngày Giải phóng năm nay vì lẽ đó mà thực sự chân thành, giàu ý nghĩa và ăm ắp xúc cảm.
Di sản kể chuyện
Sau khi kết thúc triển lãm tại Khu trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long, “Dấu ấn di sản kiến trúc Hà Nội” sẽ được trưng bày tại Phố đi bộ Hà Nội dịp cuối tuần.
Diễn ra từ ngày 1 - 6/10/2016, “Dấu ấn di sản kiến trúc Hà Nội” giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật hơn 80 bức ảnh về di sản của Hà Nội – những “nhân chứng” đầy giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Bằng 3 chủ đề nội dung chính: “Dấu ấn kiến trúc Thăng Long - Hà Nội”; “Kiến trúc Thủ đô thời kỳ hội nhập”; “Công tác bảo tồn, tôn tạo đảm bảo sự đa dạng của văn hóa kiến trúc”, triển lãm có thể xem như một câu chuyện kể về sự hiện diện trường tồn của các di sản theo thời gian, với tấm lòng và bàn tay nâng niu gìn giữ di sản của nhiều thế hệ người Hà Nội và niềm tự hào khôn tả về “kho báu” mà ông cha để lại. Trong số đó có những di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới như Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, có những di sản được nhắc đến như biểu tượng gắn với Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Hồ Gươm, cầu Thê Húc, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn... Rồi những mái đình vút cong duyên dáng, những cổng làng rêu phong cùng năm tháng, những ngôi chùa nhân chứng cho một đời sống tâm linh thiêng liêng và riêng có của người Việt... Các bức ảnh đã góp lời khẳng định, Hà Nội là TP có bề dày lịch sử ngàn năm, trải qua các triều đại vẫn giữ được hồn cốt văn hóa riêng mà không TP nào trên thế giới có được. Đây cũng là một minh chứng thể hiện vì sao Hà Nội được đánh giá là 1 trong 10 “điểm đến” du lịch hấp dẫn nhất thế giới.

Sáng sớm trên phố Hàng Bông. Ảnh: Ngô Quý Đức

Di sản kể câu chuyện mang tính thời gian như thế cũng đã gián tiếp kể về hành trình đi tìm và lưu giữ các bức ảnh của các “tay máy” trong suốt  những năm tháng làm nghề. Phải nói rằng, hơn 80 tác phẩm trình diện trước công chúg này đã được lựa chọn từ hàng trăm tác phẩm tiêu biểu cho di sản kiến trúc của Hà Nội, để “ăn ý” với chủ đề của cuộc triển lãm, đồng thời đảm bảo tính nghệ thuật của nhiếp ảnh. Nghĩa là các tác giả đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tình yêu cho “những đứa con tinh thần” này. Vì thế mà ngoài thể hiện rõ nét sự tự hào về Hà Nội – Thủ đô anh hùng, TP Vì hòa bình, các tác phẩm còn thể hiện rất rõ nét tình yêu Hà Nội của các tác giả - những người đã sống, làm việc và gắn bó với Hà Nội mấy chục năm qua. Những khoảnh khắc đẹp này đã góp phần làm rõ thêm những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản; khẳng định Hà Nội xứng đáng là đích đến của nhiều nhà đầu tư và du khách.
Hội ngộ trong lời hẹn tháng 10 năm nay, “Hà Nội trong tôi” khoác lên mình tấm áo di sản, song vẫn vẹn nguyên tình yêu Hà Nội chân thành, sâu lắng và bền chặt; con mắt nghề giàu nhân văn và nhiều trải nghiệm sống đã định hình hơn 10 mùa triển lãm đã qua. Đây cũng sẽ là dấu ấn đi cùng “Hà Nội trong tôi” sang năm và những năm tiếp theo nữa...

Đoan Môn Hoàng thành - Thăng Long. Ảnh: Văn Phúc

 Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
 Vẻ đẹp cầu Long Biên trong ánh chiều tà. Ảnh: Bùi Mạnh Tuấn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần