Triển lãm Tư liệu Linh vật Nghê Việt: Phát huy giá trị di sản thẩm mỹ truyền thống

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/8, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng khai mạc triển lãm “Tư liệu Linh vật Nghê Việt” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Triển lãm nhằm tuyên truyền và quảng bá về biểu tượng nghê - linh vật truyền thống của người Việt trước sự tràn lan của linh vật ngoại lai, giúp cộng đồng phân biệt rõ hình tượng linh vật nghê của Việt Nam với các linh vật của nước ngoài như sư tử, kỳ lân, tì hưu…
Triển lãm Tư liệu Linh vật Nghê Việt tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng
Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên - Trưởng ban tổ chức cho biết: “Thời gian qua, ngoài công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng biểu tượng, linh vật, đồ thờ trong các di tích theo Luật di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cùng các địa phương đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động các cơ sở thờ tự, cơ quan, công sở không sử dụng tượng, biểu tượng, linh vật không phù hợp với văn hóa Việt Nam. TP Đà Nẵng hiện nay là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, với nhiều thợ điêu khắc đá tài hoa. Nhờ đó, Đà Nẵng đã trở thành trung tâm quảng bá văn hóa truyền thống, là cầu nối giúp văn hóa Việt Nam ra thế giới. Triển lãm tư liệu Linh vật Nghê Việt trưng bày tại Đà Nẵng như là một kênh thông tin để các nghệ nhân điêu khắc đá, công chúng TP Đà Nẵng tiếp xúc với các tác phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam".

Bên cạnh đó, triển lãm cũng hướng tới việc nâng cao nhận thức của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật truyền thống, lành mạnh môi trường thẩm mỹ của cộng đồng, giữ gìn truyền thống văn hóa và tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 15/8 - 30/8 , giới thiệu đến công chúng khoảng 200 hình ảnh, tư liệu linh vật Nghê được trưng bày theo 6 chủ để gồm: Nguồn gốc, Đặc điểm tạo hình, Phân loại linh vật Nghê Việt, Linh vật Nghê của Việt Nam so với linh vật một số quốc gia; Nghê chốn chùa chiền; Nghê chốn cung vua, phủ chúa; Nghê chốn lăng tẩm, đền miếu; Nghê chốn đình làng và các hiện vật bảo tang; Một số sản phẩm phiên bản tượng linh vật Nghê, thế kỷ 17, Di tích Quốc gia đặc biệt đền Vua Đinh Tiên Hoàng, Hoa Lư, Ninh Bình.

Cũng trong dịp này, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng sách cho 50 nghệ nhân Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Đà Nẵng. Công ty TNHH Vạn Bảo Ngọc, tỉnh Ninh Bình trao tặng 2 phiên bản tượng linh vật Nghê cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần