Triệt để đổi mới dạy, học lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách dạy lịch sử theo hướng khoa học hiện đại phải là phương pháp. Nếu cần nói nội dung, nên ở mức độ vừa đủ để chuyên chở phương pháp mà thôi.

Bài 1: Còn nhiều bất cập

Bài 2: Dạy cách học cả đời

Trao truyền tình yêu và ký ức lịch sử

Trao truyền tri thức khoa học và ký ức lịch sử là 2 câu chuyện khác nhau. Ở cấp tiểu học, chúng ta trao truyền cho học sinh tình yêu với lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới và ký ức lịch sử. Muốn làm vậy, chúng ta phải biến lịch sử thành những câu chuyện hấp dẫn với tranh vẽ, bản nhạc, truyện cổ tích, thần thoại. Chỉ nên lồng ghép vào đó một liều lượng kiến thức khoa học vừa đủ để làm bệ đỡ. Vậy mà, hiện nay chương trình Lịch sử ở bậc tiểu học đã bắt các em nhớ bao nhiêu diễn biến, sự kiện, bài học... mà đến cả giáo sư sử học cũng không nhớ nổi. Cách làm này buộc học sinh tiếp thu thứ kiến thức không mong muốn, không phù hợp và khó có khả năng làm được. Điều này đồng nghĩa với tình yêu lịch sử của các em bị tàn phá từ cấp 1 và cấp 2 cũng thế.
Giờ học Lịch sử của học sinh lớp 4 trường Tiểu học Nghĩa Tân.	 Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học Lịch sử của học sinh lớp 4 trường Tiểu học Nghĩa Tân. Ảnh: Phạm Hùng
Lên đến cấp 3, nhà trường cần trang bị cho các em kiến thức khoa học lịch sử một cách nghiêm túc, vì các em sắp trở thành công dân có đủ năng lực, trí tuệ và trưởng thành về tâm lý. Phải làm như thế, để nếu một nhân vật nước ngoài nào đó nói khác về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, các em tìm các nguồn tài liệu để tranh luận, phản bác lại. Còn nếu thấy họ nói đúng thì cởi mở và nghiêm túc tiếp thu. Như thế, tự nhiên kiến thức lịch sử sẽ đa chiều và học sinh thấy Lịch sử là môn khoa học. Cho dù sau này các em đi theo ngành nào, thì vẫn có ý thức với môn Lịch sử và tìm hiểu nó một cách khoa học. 

Nếu chúng ta hướng dẫn và đặt mục tiêu trang bị cho học sinh phương pháp khoa học sử học ngay từ cấp 3, các em sẽ biết tự học Lịch sử cả đời. Nhưng điều tuyệt đối tránh là tích hợp vô nguyên tắc với môn khác làm biến dạng, biến chất môn Lịch sử, hoặc tiếp tục áp đặt tri thức lịch sử một chiều như trước đây. Hai cách làm này đều sẽ tàn phá tình yêu lịch sử, hủy hoại tư duy của học sinh. Đồng thời cần khắc phục triệt để giáo dục Lịch sử bằng dạy chay, không có phương tiện, bản đồ, video, tranh ảnh... Do thiếu hiểu biết mà người lớn lấy khăn Piêu của đồng bào Thái để đóng khố, làm sao trách học sinh không phân biệt được Quang Trung với Nguyễn Huệ là ai!

Phải sửa từ tư duy, tổ chức môn học

Giáo dục lịch sử trong trường phổ thông rất cần sự hỗ trợ của hai loại môi trường khác là gia đình và xã hội. Giáo dục lịch sử trong gia đình là nguồn gốc của ông bà, bố mẹ; những câu chuyện về tổ tiên, dòng họ. Giáo dục trong gia đình thường xuyên tác động đến nhân cách của công dân tương lai. Vì thế, khi một đứa trẻ trong gia đình hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tổ tiên chắc chắn sẽ có ý thức với cội nguồn dân tộc. Cho nên mỗi cha mẹ cần được trang bị tri thức, kỹ năng để trao truyền cho con cái giá trị của gia đình. Bản thân ông bà, cha mẹ có năng lực và quan tâm đến lịch sử, thì con họ cũng như vậy. Nhưng, muốn bố mẹ trở thành "giáo viên phụ đạo" về tình yêu gia đình, Tổ quốc, cũng như trang bị những kháng thể chống lại "nấm độc văn hóa" trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, cần có năng lực. Một số người có trình độ sẽ không gặp phải vấn đề trong việc này, nhưng còn biết nhiều người lao động phải làm việc 12 tiếng/ngày, về nhà mệt rã rời, mà phải dạy con thì biết làm sao! Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ.

Giáo dục lịch sử trong nhà trường và trong gia đình lại rất cần môi sinh xã hội. Trong xã hội có giáo dục lịch sử, nhưng không ít khi cũng mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta cứ nói đến lịch sử chiến tranh, khiến cho toàn xã hội luôn nhắc đến các trận đánh, anh hùng dân tộc mà không nói đến lịch sử của nghề thêu, ren, trồng lúa, khai phá đất Nam Bộ... Khi chúng ta nói đến các nhân vật lịch sử cũng chỉ đề cập đến những mặt tốt của họ, đó là giáo dục lịch sử một chiều. Trên truyền hình thì vào "giờ vàng" luôn chiếu phim Trung Quốc làm cho người Việt Nam hiểu sử Trung Quốc hơn của nước mình...

Những vấn đề đặt ra ở trên, rất cần các nhà sử học phải chăm lo, sau đó đến các nhà khoa học giáo dục và Bộ GD&ĐT. Nhưng toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị phải sửa từ tư duy, tổ chức môn học trong nhà trường, giáo trình, giáo án đến từng lời nói của thầy cô giáo đứng lớp. Phải sửa từ tấm bé trong gia đình, cho đến ngoài xã hội, việc giáo dục lịch sử mới mang lại hiệu quả.