Triệt phá những đường dây “mang thai hộ”

Đạt Lê - Linh Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội đã triệt phá, bóc gỡ nhiều ổ nhóm chuyên môi giới “đẻ thuê”, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Nhận định của cơ quan điều tra, đây được coi là một loại tội phạm hoạt động với những thủ đoạn hết sức tinh vi, kín kẽ…

Bóc gỡ “ổ nhóm” môi giới đẻ thuê
Đường dây “mang thai hộ” được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội bóc gỡ vào tháng 8/2019; đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Hoàng Huy Quang (SN 1976, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội); Phạm Thiên Thuấn (SN 1987) và Vũ Thị Liễu (SN 1990, cùng trú tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) về hành vi "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại".
Cơ quan điều tra cho hay, qua tìm hiểu trên mạng xã hội, nắm bắt được nhu cầu cần người mang thai hộ, Quang bàn với Liễu và Thuấn đi tìm những người có nhu cầu “đẻ thuê” và kết nối với những gia đình cần người mang thai để kiếm lời. Trong đó, Liễu có nhiệm vụ trực tiếp gặp gỡ, tuyển chọn và thỏa thuận người đẻ thuê với chi phí từ 200 - 220 triệu đồng, kèm theo điều kiện nuôi ăn ở miễn phí.
 Nhóm đối tượng tổ chức các vụ đẻ thuê.
Theo tài liệu điều tra ban đầu của Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán người (Đội 12) Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội, trong thời gian từ tháng 4/2019 đến tháng 8/2019, nhóm đối tượng này đã thực hiện trót lọt 6 vụ môi giới mang thai hộ với giá tiền từ 450 - 550 triệu đồng. Với trường hợp muốn mang thai đôi, các gia đình phải chi thêm từ 30 - 50 triệu đồng và phải thanh toán trước một khoản tiền.
Một đường dây đẻ thuê khác do “nữ quái 8X” cầm đầu được Công an quận Đống Đa (Hà Nội) triệt phá thành công trước đó vào tháng 6/2019. Thời điểm trước đó, cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo của người dân về việc phát hiện trường hợp có dấu hiệu tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại tại một bệnh viện ở phố Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Thượng).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định, đối tượng chính trong đường dây tổ chức “đẻ thuê” này là Phạm Thị Kim Dung (SN 1988; trú tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Đối tượng này có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và đang mang thai. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa đã bắt giữ Phạm Thị Kim Dung.
Theo tài liệu của cơ quan công an, từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt, đối tượng Dung đã móc nối, tổ chức nhận đẻ thuê cho 6 trường hợp với giá gần nửa tỷ đồng trên một vụ... Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Kim Dung về hành vi Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Vạch trần thủ đoạn
Để tìm “con mồi”, các đối tượng cầm đầu trong các đường dây “đẻ thuê” thường xuyên loanh quanh khu vực trước cổng các bệnh viện phụ sản, phòng khám hiếm muộn, tìm gặp những gia đình gặp khó khăn trong việc sinh sản có nhu cầu tìm người mang thai hộ.
Và với vỏ bọc là những người từng làm việc trong các cơ sở y tế, có hiểu biết về các giấy tờ thủ tục và các quy định về việc mang thai hộ, các đối tượng dễ dàng lấy được sự tín nhiệm của các gia đình. Ngoài ra, đối tượng này cam kết bảo mật thông tin, chỉ nhận đủ tiền sau khi đã bàn giao đứa trẻ và hứa hẹn làm mọi thủ tục giấy tờ khiến cho các gia đình cần mang thai hộ dễ dàng chấp nhận mức giá trên trời.
Trung tá Phan Anh Tú - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa (Hà Nội) thông tin: Đối tượng Phạm Thị Kim Dung trong vụ án được đơn vị triệt phá, đã vào các trang mạng xã hội, đăng vào các hội nhóm để tìm người nhận đẻ thuê. Những người phụ nữ được Dung chọn phải có sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp để giải quyết công việc và thường là người ở các vùng sâu, vùng xa.
Tùy theo các trường hợp cụ thể mà “bà trùm” sẽ ra giá cho mỗi vụ, tuy nhiên giá dao động từ 400 - 450 triệu đồng. Trong đó, Dung chi trả cho người mang thai hộ 200 triệu đồng, số tiền còn lại đối tượng dùng để chi cho việc khám, nuôi dưỡng người mang thai và hưởng lợi”.
Những đối tượng hoạt động môi giới đẻ thuê thường chọn những vị trí nhà ở xa trung tâm, ở khu vực vắng vẻ để nuôi dưỡng, chăm sóc những người phụ nữ chờ mang thai hoặc đang trong thời kỳ dưỡng thai.
Trong nhiều trường hợp, chính người nhận mang thai hộ cũng không biết tên, địa chỉ của những người thuê mình mang thai. Điều này gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra đánh giá việc mang thai hộ vì mục đích thương mại hay không.
Trung tá Phan Anh Tú đánh giá, thời gian gần đây cho thấy diễn biến hoạt động của loại tội phạm môi giới đẻ thuê luôn tiềm ẩn phức tạp. Hành lang pháp lý cho phép việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Lợi dụng những yếu tố này, các đường dây môi giới và tổ chức đẻ thuê đã được hình thành một cách tinh vi, dưới vỏ bọc là những "bộ hồ sơ hợp pháp". Qua những vụ án trên, cơ quan công an khuyến cáo những gia đình có nhu cầu chính đáng về việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo, cần tìm đến cơ sở uy tín được cấp phép, để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.