Triều Tiên phóng thủ tên lửa đạn đạo: Cơ hội thể hiện của ông Trump

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo thực hiện hôm 12/2 của Bình Nhưỡng được coi là hành động khiêu khích nguy hiểm nhất kể từ sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
"Phép thử" của Bình Nhưỡng

Truyền thông quốc tế dẫn lời các nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho hay, CHDCND Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo từ căn cứ không quân Banghyeon, tỉnh phía Bắc Pyongan về hướng biển Nhật Bản lúc sáng 12/2 (giờ địa phương). Thực ra, vụ thử tên lửa này không quá bất ngờ với cộng đồng quốc tế, bởi trước đó, Chủ tịch Kim Jong-Un đã cảnh báo về khả năng thử tên lửa trong bài phát biểu mừng năm mới, cũng như “bóng gió” đến việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa.

Tuy nhiên, theo các nhà bình luận, động thái thử tên lửa của Bình Nhưỡng là một “canh bạc liều lĩnh” nhưng buộc chính quyền Bình Nhưỡng thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Trước hết, động thái này là cách để Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định, ông vẫn nắm quyền lãnh đạo tối cao của lực lượng quân đội và của cả đất nước. Thứ hai, đây cũng là lời khẳng định chính quyền Bình Nhưỡng vẫn có đủ nguồn lực và khả năng thực hiện chương trình hạt nhân đầy tham vọng mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm đề ra. Thứ ba, thử tên lửa là cách để chính quyền Bình Nhưỡng phô trương sức mạnh trước tuyên bố cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với CHDCND Triều Tiên và cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng. Thứ tư, vụ thử tên lửa có thể coi là "phép thử" mà Bình Nhưỡng đưa ra để đo đếm mức độ ủng hộ của Trung Quốc, Nga để từ đó có bước điều chỉnh chính sách phù hợp. Cuối cùng, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng đang muốn lôi kéo Hàn Quốc và quốc tế ngồi vào bàn đàm phán, trong lúc chú ý về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên suy giảm do khủng hoảng chính trị của Seoul.

Chờ cách chèo lái của Donald Trump

Trước động thái trên của Bình Nhưỡng, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp nhằm đưa ra đối sách phù hợp. Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cam kết Seoul sẽ đáp trả “một cách tương xứng”. Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Xanh sắp khởi động, ông Hwang và các ứng viên khác sẽ tận dụng cơ hội này để răn đe Triều Tiên, lấy điểm với cử tri - những người vốn bất mãn với các biện pháp đối phó Bình nhưỡng kém hiệu quả của thời bà Park.

Lãnh đạo Nhật Bản - một trong những quốc gia có khả năng bị đe dọa bởi hành động của Triều Tiên đã lập tức phát đi tuyên bố phản đối. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang ở thăm Mỹ đã khẳng định động thái của Bình Nhưỡng là "không thể chấp nhận" được. Ngay lập tức tuyên bố này đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Trump. Đây được xem là một cơ hội lớn để tân Tổng thống Trump thể hiện khả năng chèo lái chính trường toàn cầu với tư cách là lãnh đạo siêu cường số một thế giới. Các cuộc bàn thảo về lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ giúp ông Trump cải thiện mối quan hệ với các nhà lãnh đạo phương Tây và Liên Hợp quốc. Đồng thời là cơ hội để phát đi thông điệp cảnh báo Iran - quốc gia có chương trình hạt nhân gây tranh cãi tương tự.

Trong bối cảnh hiện tại, các nhà bình luận cho rằng, hành động phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và phản ứng của cộng đồng quốc tế vẫn là “bình mới rượu cũ”. Chỉ có điểm mới duy nhất khiến quốc tế theo sát diễn biến lần này là cách xử lý hồ sơ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên của ông Trump sẽ khác ra sao so với người tiền nhiệm Barack Obama.