Trợ giá cho xe buýt: Điều chỉnh để phù hợp với thực tế

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng nhiều nguyên nhân khách quan khác đang khiến các DN khai thác dịch vụ xe buýt gặp khó khăn thực sự. Đã đến lúc cách tính trợ giá cho xe buýt cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điểm dừng đỗ xe buýt trên phố Thái Hà. Ảnh: Hải Linh
Doanh thu sụt giảm mạnh
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, mạng lưới xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng hành khách và doanh thu. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng hành khách xe buýt đạt 163,3 triệu lượt, giảm 29,2% so với cùng kỳ 2019; doanh thu đạt 213,6 tỷ đồng, giảm 43,4%.
Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một thời gian xe buýt phải giảm chuyến và ngừng hoạt động. Cùng với đó, từ tháng 7/2019, một lượng lớn Thẻ miễn phí đã được phát hành cho người cao tuổi và hộ nghèo theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội. Đến nay, đã có trên 330.000 Thẻ miễn phí được cấp, các đối tượng sử dụng Thẻ miễn phí tăng trên 82 lần, cùng với đó, lượng vé tháng cũng giảm gần 15%, doanh thu xe buýt giảm trên 10%.
Muốn tăng doanh thu kinh doanh, các DN khai thác xe buýt phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Bởi, chất lượng dịch vụ chính là mấu chốt để thu hút hành khách đến với xe buýt, có hành khách mới đảm bảo doanh thu. TP trợ giá là để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, không thu hút được hành khách thì DN cũng sẽ khó lòng duy trì được doanh thu trợ giá từ phía TP.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải
Ông Lê Ngọc Vinh - Phụ trách bộ phận xe buýt, Công ty liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân thông tin, các tuyến buýt có trợ giá do đơn vị vận hành, thời gian qua đã giảm từ 30 - 40% sản lượng hành khách. “Với lượng khách còn lại, doanh thu sụt giảm từ 30 - 35%, do giảm lượng vé tháng, vé lượt kể từ khi áp dụng chính sách miễn phí cho người cao tuổi tại Hà Nội” - ông Vinh cho hay.
Có thể thấy, khó khăn tài chính đang bao trùm lên các DN khai thác dịch vụ xe buýt của toàn TP. Bởi doanh thu vé, một trong những nguồn thu chính của DN sụt giảm mạnh, trong khi các chi phí như nhiên liệu, nhân công, khấu hao phương tiện, sửa chữa… lại không giảm. Bên cạnh đó, khoản tiền trợ giá theo hợp đồng (đặt hàng hoặc đấu thầu) đã được chốt cứng, không thể tăng thêm để bù đắp thiếu hụt chi phí.
Thậm chí đã có DN cầu cứu UBND TP Hà Nội, bày tỏ mong muốn “trả lại” tuyến nếu không được hỗ trợ kịp thời. Ví dụ như Công ty CP Ô tô vận tải Hà Tây với tuyến buýt số 72 Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai. Đơn vị này đã thẳng thắn cho biết mong muốn được điều chỉnh doanh thu trợ giá. Và nếu Sở GTVT, UBND TP Hà Nội không có ý kiến chính thức bằng văn bản, nêu hướng giải quyết sẽ “buộc phải tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng trên tuyến buýt số 72”. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực xe buýt có trợ giá của Hà Nội, gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của nhiều DN khai thác dịch vụ xe buýt khác.
Vì đâu nên nỗi?
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội thông tin thêm, sản lượng và doanh thu của hệ thống xe buýt Hà Nội đang dần phục hồi. Tháng 6 vừa qua, sản lượng hành khách đã tăng 5,7%, doanh thu tăng 13,3% so với tháng 5. Tuy nhiên, thực tế là xe buýt hiện nay có lượng khách đông hơn nhưng doanh thu lại kém hơn. Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định: “Nguyên nhân chính là chúng ta đang thực hiện chính sách miễn phí cho hàng trăm ngàn người cao tuổi, người nghèo. Chính sách này là rất nhân văn, đúng đắn nhưng cũng dẫn đến những vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế chung”.
Về trường hợp tuyến buýt số 72 do Công ty CP Ô tô vận tải Hà Tây vận hành, ông Hải cho rằng, bên cạnh việc sụt giảm doanh thu do dịch bệnh Covid-19 và gia tăng lượng hành khách sử dụng Thẻ miễn phí, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía DN. “Chúng tôi đang cho khảo sát thực tế. Có thể do DN quản lý lỏng lẻo, để thất thoát doanh thu vé lượt. Ngoài ra, DN cũng cần nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí đầu vào hơn nữa. Dịch bệnh Covid-19 chỉ khiến mạng lưới xe buýt dừng hoạt động trong 1 tháng, không thể ảnh hưởng đến gói thầu 5 năm. DN phải quản lý doanh thu thật tốt” - ông Hải chia sẻ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, dù các biện pháp cách ly xã hội được gỡ bỏ nhưng hoạt động kinh tế - xã hội không thể trở lại bình thường trong một thời gian ngắn. Hiện ngành du lịch vẫn vắng khách nước ngoài do bị hạn chế đi lại; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… cũng chưa bắt nhịp trở lại, hàng triệu lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Thực tế đó tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước chứ không riêng gì xe buýt Hà Nội. “Tuy nhiên, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, DN trước hết phải tìm cách tự cơ cấu lại hoạt động sản xuất, giảm thiểu chi phí đầu vào. Không thể gặp khó khăn thì mang trả TP được” - ông Thắng nhìn nhận.
Kịp thời điều chỉnh chính sách
Thực tế, tình hình sụt giảm sản lượng hành khách và doanh thu kinh doanh của toàn mạng lưới xe buýt nói chung đã tạo áp lực không nhỏ về tài chính cho ngân sách TP. Hiện Hà Nội có 104 tuyến buýt trợ giá đã được ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán đúng thời gian và giá trị theo hợp đồng đã ký kết. Đối với các tuyến đấu thầu, sau khi ký hợp đồng, DN đã được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng mỗi năm. Sau nghiệm thu hàng quý, các DN sẽ tiếp tục được thanh toán thêm khoảng 15% giá trị hợp đồng. Đối với các tuyến đặt hàng, sau khi ký hợp đồng, DN được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng quý, sau khi nghiệm thu hàng tháng và quý, các đơn vị tiếp tục được thanh toán thêm tối đa 80% giá trị hợp đồng.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, dù đang rất khó khăn do thiếu hụt nguồn thu ngân sách sau dịch Covid-19 nhưng TP vẫn đáp ứng đủ các khoản tạm ứng, thanh toán định kỳ chi phí trợ giá cho các DN. Trong năm 2020, dù còn nhiều khó khăn nhưng TP vẫn thông qua kế hoạch mở mới 30 tuyến xe buýt có trợ giá nữa để tăng cường năng lực của mạng lưới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân.
UBND TP Hà Nội và Sở GTVT cũng đã kịp thời nắm bắt khó khăn của DN, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ để duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới. Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị đang phối hợp với các DN khảo sát toàn mạng lưới về sản lượng hành khách, doanh thu để có cơ sở báo cáo TP điều chỉnh kế hoạch về sản lượng, doanh thu, trợ giá cho năm 2020. Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn nên dự kiến hết tháng 9 tới đây mới hoàn thành. Các chính sách hỗ trợ DN phải sau tháng 9 mới được định hình, áp dụng vào thực tế. Ông Lê Ngọc Vinh chia sẻ: “Từ nay tới thời điểm khảo sát xong và có biện pháp hỗ trợ của TP, chúng tôi vẫn sẽ duy trì hoạt động, đảm bảo phục vụ hành khách. Tuy nhiên, chính sách càng có sớm càng hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho DN” - ông Vinh nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với thực tế khách tăng, doanh thu giảm như hiện nay, chắc chắn các DN khai thác dịch vụ xe buýt sẽ còn gặp nhiều khó khăn, kể cả khi ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã được khắc phục hoàn toàn. Với hàng trăm nghìn hành khách được miễn phí, mỗi năm xe buýt sẽ có hàng chục triệu lượt khách được vận chuyển mà không có doanh thu. Ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: “Hiện sản lượng khách đi xe buýt đang tăng và chắc chắn thời gian tới sẽ còn tăng hơn nữa. Ảnh hưởng thực tế của 330.000 Thẻ miễn phí lên doanh thu xe buýt cần phải được đo đếm cụ thể, chính xác tối đa. Từ đó mới có cơ sở điều chỉnh kế hoạch vận tải, doanh thu cũng như chi phí trợ giá cho các tuyến buýt”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần