Trợ giúp xã hội với người cao tuổi, người khuyết tật: Nhiều quy định, nhưng thực thi vẫn gặp khó

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật đã khá toàn diện, nhưng thực thi chính sách trong thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH nhìn nhận, khâu thực hiện chính sách chưa thực sự tốt.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hàng loạt quy định đã được ban hành
Theo thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2018, cả nước có 11,3 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên; 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng. Cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi; 1,1 triệu người khuyết tật; khoảng 20.000 người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng.
Theo nhận định của lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, đời sống của người cao tuổi và người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước, trong khi mức trợ cấp xã hội còn thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% so với chuẩn nghèo nông thôn. Bên cạnh đó, rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại cho người khuyết tật là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là khu vực đô thị, khó bảo đảm lộ trình bảo đảm tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật Người khuyết tật.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Đã có trên 16 bộ luật, luật; 40 nghị định, nghị quyết của Chính phủ; 26 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 61 thông tư, thông tư liên tịch có liên quan đến lĩnh vực này. Trong đó, có các văn bản quan trọng như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật...
Như vậy, hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay về cơ bản đã tương đối toàn diện, bao phủ tương đối rộng, quy định chi tiết về chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe; chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần đối với người cao tuổi, người khuyết tật… Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Điểm “vênh” trên thực tiễn
Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho thấy, vẫn còn những điểm “vênh” giữa chính sách và thực tiễn. Ví dụ như việc Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; các thông tư liên quan đến chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng… Nhưng thống kê cũng cho thấy, đến nay cả nước mới chỉ có 22,6% số công trình y tế, 20,8% số công trình giáo dục, 13,2% số nhà triển lãm, nhà trưng bày, 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan, 5,7% siêu thị, 3,8% nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu, 7,5% nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí và 2% ngân hàng bảo đảm tiếp cận đối với người khuyết tật, người cao tuổi.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, văn bản, nghị quyết ban hành nhiều nhưng không ít trong số đó áp dụng vào thực tế rất khó. Một thực tiễn khác cũng được chỉ ra đó là công tác xã hội hóa với lĩnh vực này cũng còn hạn chế. Chưa có chính sách đột phá thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người khuyết tật. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về người khuyết tật. Đồng thời điều chỉnh một số chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm sự nghiêm minh trong khâu thực thi.