Trợ lực giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với Ban Dân tộc TP, giai đoạn 2016 - 2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của Thủ đô nâng cao đời sống.

Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%
Năm 2017, Sở NN&PTNT Hà Nội khởi động chương trình trao tặng 45 con bò sinh sản cho 45 hộ nghèo, cận nghèo thuộc hai xã vùng DTTS là Vân Hòa, Ba Trại (huyện Ba Vì). Từ năm 2018 - 2019, đơn vị tiếp tục triển khai chương tình hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc nhiều xã ở các huyện tập trung đông đồng bào DTTS là: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức. Qua 3 năm triển khai chương trình, đã có 170 hộ đồng bào vùng DTTS của Thủ đô được nhận bò. Trong năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 12/2019/HĐND của HĐND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai dự án giảm nghèo cho 14 xã vùng đồng bào DTTS của Thủ đô. Đến nay, Sở đã lập dự án triển khai hỗ trợ 670 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 14 xã, đang trình TP xem xét, phê duyệt.
 Người dân sơ chế củ dong riềng tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì. Ảnh: Tùng Nguyễn
Cùng với chính sách hỗ trợ của ngành NN&PTNT Hà Nội, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng DTTS của Thủ đô cũng đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển của T.Ư và TP dành cho đồng bào dân tộc. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh do đồng bào DTTS làm chủ cho giá trị kinh tế cao. Nổi bật như mô hình trồng cây thuốc Nam, canh tác chè an toàn, trồng cây dong riềng, chăn nuôi bò sữa tại nhiều xã thuộc huyện Ba Vì như Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại... Mô hình thâm canh lúa, trồng rau an toàn, chăn nuôi lợn rừng, gà đồi ở các xã thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai hay mô hình trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức)…

Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh cho biết, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã bố trí hàng ngàn tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi; tạo tiền đề quan trọng cho phát triển sản xuất tại các địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS liên tục giảm qua các năm, hiện chỉ còn dưới 3%. Đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng cao…

Cần thêm chính sách đặc thù

Theo đánh giá, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, đời sống kinh tế cũng như thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi còn thấp so với mặt bằng chung của TP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng còn chậm. Công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ nhưng chưa thực sự bền vững… Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực vào những chương trình hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng vùng dân tộc còn nhiều hạn chế. Việc lồng ghép các chính sách phát triển cho vùng DTTS hiện cũng khó thực hiện, do mỗi chính sách có mục tiêu, định mức, cơ quan quản lý và hướng dẫn riêng.

Để tiếp tục hỗ trợ đồng bào vùng DTTS cải thiện đời sống kinh tế, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, bổ sung thêm các nguồn vốn vay ưu đãi như giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ sản xuất… Tăng định mức cho vay để tạo điều kiện cho các hộ vùng đồng bào DTTS mở rộng, phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT và Ban Dân tộc Hà Nội cũng đề xuất UBND TP ưu tiên, bố trí nguồn lực và có thêm những chính sách đặc thù về công tác dân tộc. Trong đó, tiếp tục quan tâm nghiên cứu, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12/2019/HĐND của HĐND TP trên địa bàn 14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025.