Trợ lực thúc đẩy phát triển làng nghề

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, toàn TP hiện có 297 làng nghề truyền thống và làng có nghề thuộc 23 quận, huyện và thị xã.

Những năm qua, các làng nghề phát triển tương đối ổn định, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Doanh thu mỗi năm trên 20.000 tỷ đồng

Nằm cách trung tâm TP khoảng 20km, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ được biết đến là một làng nghề mây giang đan truyền thống nổi tiếng của Hà Nội. Sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Văn Phụng cho biết, những năm gần đây, nghề mây giang đan đóng góp đến 50% tổng giá trị kinh tế cho toàn xã. Dù chỉ là nghề phụ, nhưng mây giang đan đang tạo việc làm cho khoảng 2.300 hộ dân với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Lao động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề mây giang đan truyền thống thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng
Thống kê đến hết năm 2017, tổng doanh thu từ các làng nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao ấn tượng như: Điêu khắc mỹ nghệ xã Sơn Đồng (Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng; chế biến nông sản, thực phẩm xã Dương Liễu (Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng; cơ khí nông cụ xã Phùng Xá (Thạch Thất) đạt 1.209 tỷ đồng… Cùng với đóng góp cho kinh tế - xã hội Thủ đô, các làng nghề đang mang lại việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân phổ biến từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt tại nhiều quận, huyện, thu nhập trung bình của lao động làng nghề đạt trên 50 triệu đồng/người/năm như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất...

Chú trọng nhân cấy nghề truyền thống

Đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, nhưng sự phát triển của các làng nghề hiện vẫn còn không ít rào cản, nhất là thiếu quỹ đất và vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn nhiều bất cập do sức cạnh tranh trên thị trường thấp, cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Để thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề, những năm qua, UBND TP đã có những chính sách ưu tiên, đầu tư lớn. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề. Trong năm 2017, TP đã dành gói kinh phí hơn 35,2 tỷ đồng cho đào tạo, gìn giữ nghề truyền thống; hỗ trợ tiếp cận công nghệ sản xuất mới gắn với phát triển thương hiệu… Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã mở hàng chục lớp tập huấn nâng cao năng lực cho tổng số 2.080 lao động làng nghề và hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm, chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, hương nhang bằng dược liệu cho gần 1.000 người. 40 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho trên 1.400 học viên tại 40 thôn, xã cùng hàng chục chương trình đào tạo nghề dành cho 23.415 lao động nông thôn cũng đã được Sở Công Thương và Sở LĐTB&XH tích cực triển khai trong năm qua…

Cùng với công tác đào tạo nghề, để từng bước giải quyết bài toán môi trường đang ngày một nóng lên tại nhiều làng nghề, đề án “Đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho cơ sở công nghiệp nông thôn” cũng đang từng bước được triển khai. Liên quan tới bài toán vốn, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành 11.626 tỷ đồng cho vay phát triển sản xuất. Liên minh HTX TP cũng đã hỗ trợ cho 4 HTX tiểu thủ công nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề vay 1,1 tỷ đồng để triển khai 4 dự án phát triển nghề và làng nghề… Đây là những trợ lực cần thiết, kịp thời, giúp các làng nghề từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc, có điều kiện phát triển ổn định, bền vững. Qua đó, có đóng góp ngày một tích cực hơn cho chương trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần