Trở về cái thời yêu, lấy vợ và sinh con trong ký túc xá

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề Ký túc xá - Nhà của thời thanh xuân, khán giả của Quán thanh xuân sẽ đi dọc một hành trình cảm xúc của các thế hệ sinh viên từng được sinh hoạt, gắn bó dưới mô hình ký túc xá từ những ngày đầu tiên, đến thời sơ tán, những năm tháng sau đổi mới, thời kỳ đầu hội nhập...

Ký túc xá - Nhà của thời thanh xuân thông qua chia sẻ của những vị khách mời sẽ giải đáp cho khán giả của ngày hôm nay rất nhiều câu hỏi như: Ký túc xá thời xưa khác bây giờ như thế nào? Tại sao ta lại nói về ký túc xá như một phần ký ức không thể quên của mỗi người từng đi qua đời sinh viên? Những ký túc xá đầu tiên gắn liền với giảng đường Đại học xuất hiện ở đâu? Cuộc sống của ký túc xá trong Nam có gì khác biệt?

Ký túc xá của thời xếp hàng chờ lấy nước rửa mặt và tắm.

GS Nguyễn Nguyên Khôi - Nguyên trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ ký ức về những khóa học đặc biệt, màu áo lính tại trường Y thời kỳ sau hòa bình. Ông đồng thời cũng trải qua 10 năm ở ký túc xá ĐH Y Hà Nội: Từ Bách khoa sang Lò Đúc đến Thọ Lão. Yêu trong ký túc xá, lấy vợ trong ký túc xá, sinh con cũng trong ký túc xá.

NSUT Minh Vượng sẽ kể về cuộc sống sinh viên ở trường nghệ thuật, những khó khăn và đặc biệt của sinh viên thời sau năm 1975. Hoặc những câu chuyện cách đây đã gần 60 năm của thầy giáo Nguyễn Thượng Võ. Thi đỗ ĐH Sư phạm, tuy nhà ở Hà Nội, nhưng thời đó trường yêu cầu là dù ở Hà Nội cũng phải vào nội trú trong ký túc xá. Mỗi phòng có 12 người, sáng ngủ dậy thấy gót chân đau đau vì bị chuột cắn, chuột đói - người cũng đói. Rồi 9 giờ tối là gõ kẻng đi ngủ, mà còn phải học thêm: Thế là người thì mò vào nhà vệ sinh hưởng tí đèn leo lét, người chui ra đèn chỗ cột điện, vào nhà bếp... để học. Đói khổ vô cùng nhưng mà vui. Những ký ức trèo tường, đi chơi là chuyện bình thường, đời sinh viên nào cũng có... nhưng nếp rèn ở thời ký túc có khi theo suốt cả đời không quên.

Rất nhiều câu chuyện vui về Ký túc xá sẽ được các nhân vật gợi nhớ

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ sẽ kể những câu chuyện ký túc xá của những năm 80 trở về sau, câu chuyện của nữ sinh viên nội trú, mối tình ký túc xá, những vất vả “cơm áo gạo tiền” của sinh viên khi xa gia đình…

Qua đây, khán giả sẽ được nghe nhà văn chia sẻ cảm hứng viết truyện ngắn về sau được chuyển thể thành bộ phim cùng tên Xin hãy tin em (đạo diễn Đỗ Thanh Hải), khắc họa đời sống sinh viên cùng tâm tư, băn khoăn của những người trẻ về cuộc sống, gia đình, tình yêu.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải sẽ kể câu chuyện bộ đội phục viên, ở ký túc xá “chuồng ngỗng” của trường Mỏ địa chất (Khu B, Cổ Nhuế). Là câu chuyện vui từ những bài nhạc chế đậm chất sinh viên, xoay quanh những nhọc nhằn áo cơm mà bài hát Triệu đóa hồng là một ví dụ.

Nét bản sắc của chương trình Quán thanh xuân là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và những câu chuyện quá khứ. Khán giả sẽ cùng thưởng thức các ca khúc gợi nhớ đến những kỷ niệm của thời áo trắng: Bài ca sinh viên (Trần Hoàng Tiến), Ngôi sao ban chiều (Đinh Tiến Hậu), Phượng hồng (Vũ Hoàng, phổ thơ Đỗ Trung Quân), Cây đàn sinh viên (Quốc An), Bạn tôi (Võ Thiện Thanh, thơ Phan Minh Tấn), Tình thơ (Hoài An), Mong ước kỷ niệm xưa (Xuân Phương)… Bên cạnh các ca sĩ chuyên nghiệp, sẽ là phần trình diễn của các thế hệ sinh viên các trường Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân...

Một trong những điểm nhấn của chương trình là câu chuyện của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh kể về hoàn cảnh ra đời, sáng tác bài Bạn tôi (Thằng đi dạy thêm/Đứa làm tiếp thị/Thằng làm quán cơm/Tối về một gói mì tôm...), câu chuyện của ban nhạc mang tên Ký túc xá, gồm các nhạc sĩ Hoài An, Nguyễn Nhất Huy, Trần Công Tuấn và Võ Thiện Thanh - khi gặp nhau tại ký túc xá Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - ban nhạc chuyên biểu diễn phục vụ những chương trình của sinh viên...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần