Trông chờ gì vào FDI?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như năm 2009, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu (XK) thì đến năm 2016 đã tăng lên 70,2% và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.

Tỷ trọng XK của DN FDI tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực này, đặc biệt là một số công ty lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN FDI không phải là trụ cột vững chắc để phát triển kinh tế bền vững.

Bị kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt mục tiêu 6,7% đã đề ra. Đóng góp lớn cho tăng trưởng năm nay là khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%), chủ yếu là từ công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,9%). Trong đó, cơ quan thống kê nhấn mạnh đặc biệt đến 2 cái tên đóng góp cao vào tăng trưởng là Samsung và Formosa. Theo đó, Tập đoàn Samsung đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao, đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch XK của Việt Nam; trong khi Tập đoàn Formosa dự kiến sản xuất 1,5 triệu tấn thép thô với doanh thu 16.850 tỷ đồng trong năm nay.

Sản xuất các thiết bị điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam.  Ảnh: Danh Lam

Song, vấn đề nằm ở chỗ khác. Sau 9 tháng, khu vực FDI có giá trị XK tăng 21%, nhưng giá trị nhập khẩu (NK) còn tăng cao hơn, tới 26,1%. Samsung hầu như NK toàn bộ linh kiện để sản xuất rồi lại XK nên không tạo ra giá trị gia tăng nhiều. DN này chỉ sử dụng nhân công, điện, nước và đóng một phần nhỏ tiền thuê đất và thuế (do đã được miễn giảm).

Ông Kunanka - chuyên gia Kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét, các DN có quy mô lớn như Samsung, Ford, Toyota... trong các chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng các nhà cung cấp ở khắp mọi nơi. Các công đoạn giá trị cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng… đều nằm ngoài Việt Nam. Việt Nam hiện chỉ chuyên về công đoạn lắp ráp cuối cùng, đòi hỏi nhiều lao động, đem lại giá trị gia tăng thấp.

“Tuy là quốc gia XK hàng công nghệ cao ước tính chiếm 0,7% thị phần thế giới, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm công nghệ cao và trung bình của Việt Nam chỉ đạt 20% so với 80% của Singapore. Nhiều mặt hàng XK có giá trị cao của Việt Nam lại có hàm lượng NK cao và giá trị gia tăng trong nước rất thấp, do đó con số đóng góp ròng vào nền kinh tế của các công ty FDI không cao”, chuyên gia của WB đánh giá Việt Nam bị kẹt ở "bẫy giá trị gia tăng thấp".

Muốn duy trì tăng trưởng, phải làm cách khác

Theo TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi và thách thức mới đòi hỏi phải có những điều chỉnh nhất định về quản trị đối với hoạt động thu hút và sử dụng FDI để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Ông Thắng cho rằng, sự phụ thuộc quá lớn vào FDI là vấn đề rất đáng lo ngại đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, do tăng trưởng kinh tế không xuất phát từ những yếu tố nội tại. Một ngày nào đó khi vốn ngoại quay đầu, sẽ rất khó có thể lường trước những hệ lụy sẽ xảy ra. Nếu điều này không khắc phục được thì mục tiêu của Việt Nam về xây dựng một nền kinh tế tự cường sẽ rất khó khăn.

Nhấn mạnh tình hình kinh tế chính trị thế giới có những biến động và nguồn vốn FDI vì thế có thể cũng “ra - vào” rất nhanh theo những biến động của nền kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, muốn tăng trưởng bền vững thì đòi hỏi nền kinh tế phải tự chủ, không quá lệ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Chính phủ nên kiên trì với việc cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự lớn mạnh của các DN trong nước. Đồng thời, Việt Nam nên tạo ra các khuyến khích cho khu vực DN trong nước tham gia đóng góp nhiều hơn vào chuỗi sản xuất của FDI và tận dụng được sự lan tỏa công nghệ từ FDI. Dù mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay coi như đã đạt được thì cũng nên nhìn dài hạn hơn để tiếp tục các chương trình tái cơ cấu kinh tế. Như thế mới mong có tăng trưởng cao và bền vững.

Dù tỷ trọng XK của FDI tăng nhanh chóng lên 72,4%, nhưng tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại tăng không đáng kể (từ 15,2% năm 2005 lên khoảng 20% năm 2017). Cần lưu ý thêm, trong giai đoạn này, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP chỉ tăng khoảng 5%. Như vậy, khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế lại không tương xứng.

(Nguồn: Báo cáo đánh giá của VEPR)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần