Trông đợi quyết sách từ nghị trường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa chính thức bước vào những ngày nghị luận sôi nổi, nhưng hôm qua, trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và định hướng năm 2020 đã đặt ra.

Đặc biệt là thực tế cuộc sống vẫn còn nhiều việc đòi hỏi cái nhìn thấu đáo, sự vào cuộc tích cực, bản lĩnh hơn của mỗi đại biểu Quốc hội.
 Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám-Quốc hộik hóa XIV. Ảnh: TTXVN
Những con số Chính phủ đưa ra trước Quốc hội ít nhiều cho thấy những tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Ước tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Nhiều gam màu sáng với những con số tăng trưởng ở các lĩnh vực đã được đưa ra, tuy nhiên nhìn sâu vào nền kinh tế, cử tri vẫn “phấp phỏng” trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… Chính phủ đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, DN…, nhưng thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn và không rõ ràng giữa các quy định vẫn là những điểm nghẽn phải gỡ.
Đặc biệt, các vấn đề xã hội vẫn là nỗi lo “canh cánh bên lòng” khi chỉ 9 tháng mà cả nước đã xảy ra gần 3.000 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính là 1.057 tỷ đồng. Rồi tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm khói bụi ở đô thị; nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, sự chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục đang làm dư luận băn khoăn. Cùng với đó, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… liên tiếp diễn ra; hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn chưa thể kiểm soát hiệu quả.
Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị lại xuất hiện...
Bởi thế, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV này có vị trí rất quan trọng, ngoài các nội dung về công tác xây dựng pháp luật, còn quyết định các mục tiêu cho năm cuối nhiệm kỳ 5 năm, chuẩn bị cho một giai đoạn tiếp theo. Như vậy, chung tay cùng Chính phủ, Quốc hội dự kiến dành thời gian thảo luận ở tổ, ở hội trường nhiều hơn để bàn tính các giải pháp nhằm có bước đi vững chắc trong năm về đích; giải quyết được những bức thiết từ cuộc sống.
Đứng trước những vấn đề rất lớn và khó ấy, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi đại biểu rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Do đó, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, tồn tại, nhất là nguyên nhân chủ quan; phân tích kỹ lưỡng tình hình nhằm đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn.
Như vấn đề ô nhiễm môi trường, có ý kiến cho rằng, đến lúc phải coi trọng bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế, cần đưa vấn đề này ra bàn thảo thấu đáo trên nghị trường.
Và cử tri rất chờ mong được nghe rõ những hướng quyết sách, biện pháp giải quyết, để thấy rõ trách nhiệm của các cấp quản lý. Hy vọng rằng các đại biểu Quốc hội sẽ không “nói cho qua, làm cho có”, sẽ tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, giải quyết được các vấn đề xã hội đang đặt ra. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần