Trông đợi quyết sách từ nghị trường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid- 19”.

Đó không chỉ là yêu cầu Quốc hội đặt ra với các đại biểu, cũng là một trong những vấn đề cử tri quan tâm nhất tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa được khai mạc.
Trước hết phải nói rằng, Kỳ họp Quốc hội lần này rất đặc biệt, ghi dấu sự đổi mới của Quốc hội, khi chuyển sang hình thức họp trực tuyến kết hợp với tập trung và thời gian họp cũng ngắn hơn. Một phần cách họp này để đáp ứng yêu cầu phòng dịch, nhưng mặt khác như nhiều ý kiến nhận định, đây cũng là một xu thế rất cần thiết để xây dựng Quốc hội điện tử. Cũng bởi tính chất đặc biệt, nên nội dung Kỳ họp cũng có những thay đổi nhất định. Điển hình như không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp, mà tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
 Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 20/5/2020.
Bởi thế, Kỳ họp này có một vị trí đặc biệt quan trọng, ngoài các nội dung về công tác xây dựng pháp luật, còn bàn tính các giải pháp để có bước đi vững chắc trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở thời kỳ “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 và giải quyết được những bức thiết từ cuộc sống.
Từ những thông tin Chính phủ trình Quốc hội cũng như thực tế cuộc sống qua phản ánh của cử tri tới nghị trường cho thấy, rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra. Từ việc sản xuất gặp khó, lao động mất việc, còn là tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đầu vào, sản phẩm hàng hóa có lúc, có nơi bị ứ đọng… Đề thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế xã hội không hề dễ dàng gì trong bối cảnh chung hiện nay.
Trước nghị trường, Chính phủ cũng đã có cái nhìn thẳng vào thực tiễn, đưa rất nhiều giải pháp trong cả ngắn hạn và hướng tới dài hạn. Trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản vực dậy nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay.
Tinh thần khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp 3 như Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đã được phát đi. Nhiều DN bước đầu đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh để phục hồi; một số ngành nghề đã vươn lên trở thành bệ đỡ để thúc đẩy xã hội vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, những băn khoăn, lo lắng vẫn không hết khi việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng phải gắn với mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từ đó sẽ phải điều chỉnh các giải pháp, các ưu tiên cũng như là các nguồn lực cho phù hợp. Qua đó, sẽ kéo theo những ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, chất lượng đào tạo, việc làm… Đồng thời với đó, không ít vấn đề xã hội cũng được đặt ra.
Đứng trước những vấn đề rất lớn và khó ấy, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi đại biểu rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Do đó, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng, phải thẳng thắn, phân tích kỹ lưỡng tình hình nhằm đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn nhất. Như kịch bản kinh tế ra sao, giải pháp hỗ trợ DN thế nào cho hiệu quả…
Đặc biệt là thực tế cuộc sống vẫn còn nhiều việc đòi hỏi cái nhìn thấu đáo, sự vào cuộc tích cực, bản lĩnh hơn của mỗi đại biểu trên nghị trường. Và cử tri rất chờ mong được nghe rõ những hướng quyết sách, biện pháp giải quyết cụ thể.
Hy vọng rằng, tại một Kỳ họp đặc biệt, trong bối cảnh đặc biệt này, các đại biểu Quốc hội sẽ chung sức tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá cho sự phát triển của nền kinh tế, giải quyết được cả các vấn đề xã hội đang đặt ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần