Trong nhà chưa tỏ...

Quý An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là câu bố tôi thường nói khi ra ngoài đường nghe ai đó kể về chuyện của nhà ai đó trong làng. Chuyện không có gì nhưng qua miệng kể của mỗi người sẽ được thêu dệt thành câu chuyện lớn, cực kỳ nghiêm trọng.

Văn hóa làng xã, tình làng nghĩa xóm vẫn luôn được mọi người đề cao “họ hàng xa không bằng láng giềng gần”. Điều này đúng bởi khi gia đình bạn xảy ra bất cứ chuyện gì thì hàng xóm thường sẽ là người đầu tiên giúp đỡ, nhưng cũng chính họ là những người tạo ra nhiều câu chuyện về gia đình bạn, về con cái bạn, tốt có xấu cũng có.
Tôi ở xa, thi thoảng mới về nhà nên thích nấu những món ngon lạ cho bố mẹ ăn. Chợ quê thì không bán đủ nguyên liệu nên tôi thường sẽ xách xe đi “chợ phố”. Tôi dắt xe ra đến cổng bố tôi chưng hửng hỏi:
- Không mang theo cái gì đi đựng à? Rồi vụt nhanh vào nhà lấy cái làn cói ra treo lên xe không quên kèm theo câu nhắc nhở:
- Mang cái này đi đựng mình mua gì về làng không ai người ta biết.
Tôi nghe xong bật cười:
- Ôi dào người ta biết kệ người ta, đồ mình mua chứ có đi ăn cắp đâu mà bố lo.
 Ảnh minh họa.
Ông quát:
- Người ta thấy mình mua đồ nhiều người ta lại bảo nhà mình ăn sướng, ăn sang, mang đi mà đựng.
Thật ra thì tôi không phản đối chuyện mang theo giỏ đi chợ, cái mà tôi phản đối là lý do bố tôi đưa ra. Khổ chưa, ăn gì cũng phải nhìn sắc mặt hàng xóm. Bố tôi không sai, nhưng cái văn hóa làng xã kỳ cục quá, có lần tôi đang ngồi thịt gà, bà hàng xóm đi qua ngó vào hỏi thăm:
- Thịt gà cơ à, khiếp nhà này ăn sang thế, ngày thường mà cũng thịt cả con gà ăn.
- Không thịt ăn để nó già mất ngon bác ơi, gà nhà nuôi được sao phải nhịn miệng hả bác. Tôi vừa cười vừa nói.
- Khiếp sang thế, nhà tôi nuôi để dành rằm, lễ, Tết gì mới dám thịt, bà hàng xóm cố với thêm câu trước khi bỏ đi.
Đấy, tôi hiểu vì sao bố tôi lo. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ thôi. Chứ nhiều lời bàn ra tán vào thêm bớt của các bà hàng xóm còn khiến gia đình gây hấn cãi nhau cơ.
Hồi tôi học cấp 3, xe đạp bị hỏng nên cậu bạn chung trường mới đèo về. Thế rồi hôm sau cả làng cả tổng bảo 2 đứa đang yêu nhau, có bà cô gặp tôi liền rào trước đón sau:
- Cô hỏi mày chuyện này, mày phải nói thật đấy.
- Vâng cô cứ hỏi đi, sao nghe nghiêm trọng thế.
- Ừ thì có phải mày với thằng Đ nhà ông S đang yêu nhau không?
- Ơ cô nghe ai nói đấy?
- Thì tao đi làm đồng nghe bà T gần nhà mày kể là thấy thằng Đ đèo mày đi học về.
- Ôi dồi ôi, khổ quá, xe cháu hỏng nên nó đèo về thôi, yêu đương cái gì.
Rồi hôm khác, hai mẹ con tôi đang đi bộ ra đồng, một bà cô đạp xen ngang qua nhìn thấy dừng xe lại cái két hỏi:
- Chị X ơi, con gái chị đây hả?
- Ừ nhà tôi có mỗi mình nó con gái thôi, cô hỏi gì thế?
- Chị bảo con gái chị không được yêu thằng Đ nhà ông S đâu, em thấy 2 nhà có họ mà.
- Tụi nó còn đang đi học mà yêu gì cô, mà họ xa lắc có yêu cũng được, không sao.
Bà cô te te đạp xe đi tiếp. May tôi có bà mẹ hiểu con gái, chứ không như nhiều người nghe người ta là mắng con té tát rồi. Lúc đó tôi mới giải thích là hôm nọ xe con hỏng thằng Đ nó đèo con về mà cả làng đồn 2 đứa yêu nhau, đến mệt với cái làng này. Mẹ tôi không nói gì chỉ cười thôi. Có thể sống đến chừng đó tuổi, mẹ tôi cũng đã nghe quá quen những lời đồn thổi kiểu như thế rồi.
Chuyện của tôi thì nhỏ rồi nhưng chuyện con em họ tôi mới mệt đây này, chả là tính nó thì cũng thuộc loại thích làm đỏm nên so với mấy đứa trong làng có tí nổi trội. Hồi học lớp 8 nó bị đau ruột thừa phải đi mổ nằm viện, mà thế nào cả làng đồn nó có thai, đợt đó là đi phá thai, rồi là “cái loại đấy ăn chơi thế, khiếp mới ranh con lớp 8 đã có thai…”. Nói chung họ nói, họ chửi, họ móc mỉa chú thím tôi không biết dạy con, chiều con thành hư…
Tôi đi làm xa nhà, mà cơ thể tôi vốn xưa nay khó tăng cân, người cứ làng nhàng, có đợt ốm cái mất 5kg như chơi. Về quê nhìn thấy tôi gầy tong teo người ta đồn tôi phá thai nhiều nên không béo được.
Thôi thì kệ người ta nói. Sống vậy cho khỏe!q