Trồng rau sạch theo công nghệ Israel: Cơ hội mới cho nông nghiệp Thanh Trì

Bài, ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020, Huyện ủy Thanh Trì đã chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực này để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm…

Sau những thử nghiệm, huyện đã thành công mô hình trồng rau  sạch theo công nghệ Israel tại xã Yên Mỹ, mở ra cơ hội phát triển mới cho  nông nghiệp  trên địa bàn…
Rau xà lách trái vụ…
Trong khu nhà lưới trồng rau “siêu sạch”, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh và ông Nguyễn Mạnh Hồng – Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (đơn vị thực hiện sản xuất rau) và các kỹ sư của HTX đã giới thiệu những luống rau xà lách, xà lách tím, cải ngọt…, xanh mơn mởn, bắt đầu cho thu hoạch. Ông Hồng nhớ lại và cho biết, để có kết quả này, lãnh đạo huyện cùng một số cán bộ chuyên môn và hộ nông dân tham quan học tập mô hình tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh; sau đó quyết định lựa chọn công nghệ trồng rau thủy canh, theo công nghệ Israel.

Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh (ngoài bên trái) và lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát kiểm tra độ sinh trưởng rau xà lách.

Tháng 6/2017, huyện tổ chức khởi công, nhập khẩu nguyên vật liệu, lắp dựng nhà màng với diện tích 2.600m2, hệ thống lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống bơm động lực, hệ thống cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn. Theo Giám đốc HTX Nguyễn Mạnh Hồng, thiết kế mỗi luống cây xà lách có diện tích 6m x 1,5m, trồng 210 gốc cây/luống. Hiện  các cây đưa vào ươm, trồng thí điểm, gồm rau xà lách các loại, cải các loại, rau muống, cà chua...., đều sinh trưởng phát triển nhanh, không sâu bệnh; thời gian cho thu hoạch bình quân rau có lá  (rau muống, rau cải)  khoảng 25 ngày, rau xà lách từ 30 - 35 ngày (mùa hè đạt trọng lượng 0,4 kg/cây; mùa đông là 0,8 - 1 kg/cây); dự kiến mỗi năm cho thu từ 12 - 15 lứa rau các loại...
Hướng đi cho sản phẩm
Trao đổi về hướng phát triển tới, Chủ tịch UBND xã Trần Quang Khánh cho biết, về đầu ra cho sản phẩm sẽ thông qua liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát giới thiệu rau các loại tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn và bếp ăn trên một số hãng hàng không… Đây là mô hình đầu tiên và lớn nhất của TP Hà Nội do huyện Thanh Trì triển khai ứng dụng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo công nghệ Israel; kinh phí đầu tư là 100 triệu đồng/100m2,  tương ứng đầu tư mô hình này, ước trên 2,6 tỷ đồng, huyện hỗ trợ 1,15 tỷ đồng. Khi sản xuất ổn định, Thanh Trì sẽ nhân rộng mô hình này. Đối với xã Yên Mỹ, hiện có 91 ha rau màu và 19 ha cây ăn quả, trong đó năm 2017, sẽ phấn đấu hoàn thành 22 ha sản xuất  rau đạt tiêu chuẩn VietGap (hiện có 12ha). Với diện tích trên, Yên Mỹ hoàn toàn có khả năng phát triển tiếp sản xuất rau siêu sạch công nghệ cao, khi mà sản phẩm của địa phương tiêu thụ mạnh.
Chủ tịch xã Trần Quang Khánh cũng kiến nghị, Nhà nước và TP cần có chính sách hỗ trợ ban đầu về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giống cây trồng, vật tư nông  nghiệp kèm theo, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm... Và đặc biệt,  TP và huyện cần nghiên cứu  xây dựng một chợ đầu mối sản phẩm rau an toàn đích thực trên địa bàn. "Theo đó, để vào chợ đầu mối này chỉ những sản phẩm rau quả có mã vạch, xuất xứ nguồn gốc sản xuất nhằm bảo vệ thương hiệu những thực phẩm, rau quả chất lượng cao cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"- Chủ tịch xã Trần Quang Khánh, bày tỏ.