Trọng tài bẻ còi bay sự nghiệp

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, làng bóng đá Việt Nam nóng lên với sự cố bẻ còi trong trận đấu giữa Bình Dương và Than Quảng Ninh.

Trọng tài Trần Văn Lập đã có quyết định “không có trong sách giáo khoa” khi bỏ quên thẻ vàng một cầu thủ và sau đó tuyên hủy bàn thắng của Bình Dương khiến trận cầu vốn không có nhiều điểm nhấn thành tấn bi kịch của làng bóng đá Việt.
Sửa cái sai này bằng cái sai khác

Trận đấu giữa Bình Dương và Than Quảng Ninh vốn không được dư luận chú tâm. Cả hai đội không còn tham vọng mùa này và cũng không còn nguy cơ phải rớt hạng. Thế nhưng, nó bỗng chốc trở thành điểm nóng về công tác điều hành khi trọng tài mắc những sai lầm sơ đẳng và liên tiếp. Đầu tiên là việc tưởng tượng ra việc cầu thủ Than Quảng Ninh dùng tay chơi bóng trong vòng cấm và sau đó là việc rút thẻ đỏ trực tiếp. Và khi nhận ra mình đã mắc sai lầm, trọng tài điều khiển trận đấu Trần Văn Lập đã mất bình tĩnh. Ông quyết định sửa sai bằng việc tặng cho đội khách quả phạt 11m dù pha tranh chấp ở ngoài vòng cấm. Đỉnh điểm là việc trọng tài này đã quên thẻ vàng thứ 2 của hậu vệ Hồ Tấn Tài dẫn đến việc cầu thủ này tham vào pha tấn công nâng tỷ số lên 2 - 1 cho Bình Dương.
 Trọng tài Trần Văn Lập, điểm nhấn trong trận Becamex Bình Dương - Than Quảng Ninh. Ảnh: Anh Khoa
Khi trọng tài chính quên thẻ, các trợ lý cũng như trọng tài thứ 4 đều không hay biết và tất nhiên là không có cảnh báo nào được đưa ra. Mọi việc chỉ thay đổi khi giám sát trọng tài phát hiện ra sự cố và chạy xuống sân nhắc nhưng lúc đó, Bình Dương đã ghi được bàn thắng. Mặc dù Ban Trọng tài khẳng định trọng tài có quyền tuyên hủy bàn thắng nhưng việc quên thẻ phạt là điều xưa nay chưa từng xảy ra ở làng bóng đá Việt Nam. Quan trọng hơn, người ta thấy sự bất minh trong cách điều hành của trọng tài khi cố tình sửa cái sai này bằng cái sai khác. Điều này khiến trận đấu quay theo những quỹ đạo được toan tính từ trước và mất đi sự trong sáng, công bằng của sân cỏ.

Khi án phạt chỉ là phần ngọn

Ngay sau sự cố trên sân Bình Dương, VFF và VPF đã cho thấy sự cầu thị khi quyết định những án phạt nội bộ rất nặng, đó là cả tổ trọng tài đã bị treo giò vô thời hạn. Thậm chí, có nguồn tin cho rằng, lãnh đạo VFF đang cân nhắc có cho trọng tài Trần Văn Lập trở lại sân cỏ nữa hay không khi ông này mắc quá nhiều lỗi trong quá khứ. Và nếu điều đó xảy ra, thêm một trọng tài sẽ mất nghiệp bởi những sai lầm sơ đẳng.

Có quá nhiều trọng tài đã lĩnh án phạt. Thậm chí, trong mùa giải này, đã có 3 trọng tài bị treo giò vô thời hạn. Nó chứng tỏ nhà điều hành giải không hề có ý định bao che cho những ông Vua sân cỏ. Nhưng, án phạt theo nhiều người không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Sai lầm của các trọng tài xuất phát từ nhiều yếu tố và nếu không giải được bài toán tổng thể thì những sự cố sân cỏ sẽ còn tiếp tục.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng trọng tài Việt Nam không hề kém năng lực chuyên môn. Họ từng thể hiện được năng lực ở những trận đấu khó. Có những trọng tài đã được các tổ chức quốc tế cũng như nước bạn mời sang bắt một số trận cầu đinh. Thậm chí, cựu trọng tài Võ Minh Trí từng khiến chủ nhà Myanmar tâm phục khẩu phục khi rút thẻ đỏ trong trận bán kết SEA Games 2013 với Thái Lan khiến khán đài nổi sóng giận dữ. Vậy chính những trọng tài nổi tiếng là cứng về chuyên môn lại mắc lỗi sơ đẳng và thường xuyên gây tranh cãi khi trở về bắt ở trong nước.

Vấn đề thứ hai cần quan tâm ở đây chính là lòng tin mà làng bóng đá dành cho trọng tài không lớn. Bất cứ pha xử lý nhạy cảm hay những sai sót kỹ thuật đều bị đẩy lên thành “có vấn đề về tư tưởng”. Vấn đề thứ ba liên quan đến chính những ông Vua sân cỏ. Họ thường xuyên đánh đu với các đội bóng và thường xuyên có tình trạng “nhìn diễn biến” để thổi và hệ quả là khi có tình huống gây tranh cãi, trọng tài bị coi là nơi để lỗi dễ nhất.

VPF đã quyết định mời các trọng tài Nhật Bản và Hàn Quốc sang điều hành các trận đấu khó ở giai đoạn cuối mùa giải V.League. Đây là việc làm thường xuyên của VPF mỗi khi bước vào giai đoạn nước rút. Điều này nhằm giúp các đội bóng an tâm hơn bởi có niềm tin về sự trung lập của trọng tài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần