Trục lợi từ dâng sao giải hạn: Đã đến lúc cần thay đổi

Trần Vũ Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện nhà nhà, chùa chùa thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn đã được nói suốt 10 năm qua. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu Xuân dòng người lại ngồi kín lòng đường Tây Sơn, trèo lên cầu vượt Ngã Tư Sở để bái vọng vào chùa Phúc Khánh. Mới đây, T. Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định:“Mấy năm gần đây đã có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa, dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo”, như một lời cảnh tỉnh với người dân và các nhà chùa về nghi lễ này.

Người dân ngồi la liệt phía ngoài chùa Phúc Khánh cầu giải hạn. Ảnh: Chiến Công
Lễ lạt mang bực vào thân
Vào các ngày chùa Phúc Khánh tổ chức dâng sao Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, người ta lại thấy hình ảnh ách tắc quen thuộc. Lượng người tham gia các khóa dâng sao giải hạn ở tổ đình Phúc Khánh luôn quá tải, một phần vì tiếng đồn linh thiêng, phần nữa vì sư trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật tử Minh Bằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi tin vào khả năng Phật pháp của thầy Quyết. Có thầy tụng kinh, cúng lễ chúng tôi thấy an lòng”.
Thế nhưng, mới đây, trả lời trên báo Lao Động, đại đức Thích Minh Đức, người phụ trách toàn bộ công việc tại đình Phúc Khánh, cho biết: “Cụ (thầy Thích Thanh Quyết - PV) bận lắm, còn phụ trách chùa Yên Tử (Quảng Ninh), Non Nước (Hà Nội) và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nên một năm chỉ về chùa vài lần”. Nếu Thượng tọa Thích Thanh Quyết bận “trăm công ngàn việc” thì liệu mấy khóa lễ tại đình được thầy trực tiếp thực hiện?
Chưa hết, chính quyền địa phương còn phải bố trí 4 bãi gửi xe để đảm bảo an toàn tài sản cho người tham gia khóa lễ. Thế nhưng, vì số lượng người đi lễ quá đông, nên dù đã tổng lực hết lực lượng bảo vệ, giữ gìn trật tự vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của người đi lễ, bãi trông xe không phép với giá cắt cổ vẫn xuất hiện.
Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng
Chưa kể, tình trạng dâng sao với giá niêm yết của chùa Phúc Khánh diễn ra hơn chục năm nay khiến nghi lễ dâng sao cũng nhuốm màu thương mại. Vừa qua, trên mạng rộ lên thông tin một người đàn ông vì thiếu 50 nghìn đồng nhưng không được châm chước làm lễ dâng sao vì phí đã được nhà chùa quy định, không thể bớt. Giải thích cho mức giá này, trả lời trên báo Lao động, đại đức Thích Minh Đức cho rằng: “150 nghìn đồng là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho phật tử trong 12 tháng trong một năm…. Tính ra như vậy là cũng rất “hạ” rồi… Nếu nhà chùa để cho người dân tự nguyện đóng góp thì sẽ rất lộn xộn, không công bằng cho các phật tử”.
Chưa thấy cái lợi của việc thực hiện nghi lễ dâng sao tại chùa Phúc Khánh, vào mỗi dịp này, người đi đường cực nhọc di chuyển qua đám đông bái vọng; lực lượng công an địa phương phải vất vả làm việc tạo thành dải phân cách sống để đảm bảo an toàn cho người làm lễ và phân luồng giao thông. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng: Vào các dịp lễ, ngay từ chiều, phường cũng phối hợp với Công an quận và Cảnh sát trật tự, Cơ động của Công an TP đã dùng xe thùng chở những tấm barie đến để phân làn, cấm đường các phương tiện khi làm lễ. Đặc biệt, đến cuối giờ chiều, số người đến tham dự buổi lễ đông hơn và lúc này đúng thời điểm tan tầm nên lượng phương tiện lưu thông qua lại tăng cao khiến tình trạng ùn ứ xảy ra. Vì vậy, để đảm bảo cho việc lưu thông thuận lợi, lực lượng chức năng liên tục điều tiết giao thông và cấm một làn đường không để các phương tiện dừng đỗ trước chùa.
Vẫn biết, tình trạng tràn ra lòng đường, trèo lên cầu vượt Ngã Tư Sở để vái vọng vào chùa Phúc Khánh là vi phạm Luật Giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT nhưng Trung tá Lê Tú - Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Đây là vấn đề khá nhạy cảm nên nhiệm vụ chủ yếu của các lực lượng chức năng trong dịp này là nhắc nhở, giữ gìn an ninh trật tự. Do đó, về lâu về dài các đơn vị chức năng cần xem xét lại cách thức tổ chức của hoạt động này. Bên cạnh đó, bản thân những người đi lễ đầu năm cần phải nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, tránh làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT.
 Cầu an đầu năm ở chùa Phúc Khánh
Chấn chỉnh dựa vào… cái tâm
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trung tâm Truyền thông T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Chùa Phúc Khánh cũng thuộc quản lý của Giáo hội về mặt tôn giáo (Phật giáo), còn quản lý tổ chức các lễ như lễ dâng sao, lễ cầu an… do sư trụ trì chịu trách nhiệm. Dân đổ ra đường do cái tâm và cả do hiện tượng xã hội. T.Ư Giáo hội Phật giáo không can thiệp”.

Giáo hội Phật giáo không khuyến khích dâng sao giải hạn vì trong Phật giáo không có dâng sao giải hạn mà chỉ có lễ cầu an. Các nhà chùa nên hướng dẫn các Phật tử làm theo chính pháp, giáo lý đức Phật dạy.

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trung tâm Truyền thông T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Mới đây, Bộ VHTT&DL cũng chính thức lên tiếng nhằm chấn chỉnh những biến tướng của hiện tượng dâng sao giải hạn. Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy: “Rất khó có thể nói dâng sao giải hạn là chính tín hay mê tín, nhưng nếu cứ chứng kiến cảnh tượng hàng ngàn người xếp hàng dâng sao giải hạn mới thấy sự cần thiết phải sớm có những giải pháp kịp thời. Cũng theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL , hậu quả của việc cúng giải hạn không chỉ khiến các gia đình tốn kém tiền của mà nhiều trường hợp còn có thể dẫn đến sự mất mát niềm tin, thiếu những định hướng đúng đắn.
“Dâng cúng sao giải hạn cũng như nhiều nghi lễ tín ngưỡng khác đều là vấn đề liên quan đến tâm lý của người dân. Cho nên, muốn chuyển biến từ gốc rễ thì không gì khác là phải tăng cường các giải pháp tuyên truyền. Chỉ khi người dân hiểu ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng thì họ mới dần dần từ bỏ. Không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính cứng nhắc cũng như không thể mong muốn có chuyển biến ngay trong một thời gian ngắn được” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Dâng sao giải hạn đặt lệ phí như hợp đồng làm ăn
Việc cúng giải hạn, trừ tai, giải ách là công việc của các thầy cúng, cũng có nghĩa nó là nghi thức chủ yếu thuộc về đạo giáo. Nhưng ở Việt Nam thì không rành mạch như vậy. Nhiều khi, nhà chùa, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, họ cũng cúng giải hạn luôn, và việc này cũng có từ xưa trong chốn dân gian.
Tuy nhiên, việc dâng sao phức tạp hơn. Thiên văn Ấn Độ cổ đại định vị 9 ngôi tinh tú cơ bản trên vòm trời mà Hán dịch là Nhật, Nguyệt, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và hai cái là La Hầu (tức ngôi sao tưởng tượng làm nên hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, tiếng Phạm là Rahu, nghĩa là ngăn che, mờ tối, Hán ghi ký tự là La (nghĩa mờ ám), Hầu (nghĩa tối tăm), vừa có âm vừa hợp nghĩa, sao Kế Đô (tức hiện tượng sao chổi, âm Phạm ngữ là Ketu).
Trong nghi thức Phật giáo có lễ cúng tinh tú từ nguyên thủy. Nhưng là thờ sao là chính. Khi Phật giáo du nhập Trung Hoa, nó kết hợp với các tôn giáo ở đó như Nho và Đạo. Trong chuyện này, nó quy chiếu tinh tú với tử vi. Người ta nghĩ thêm chuyện phương vị các vì tinh tú ứng với ngày sinh tháng đẻ của con người mà đoán vận hạn. Sao La Hầu, Kế Đô trong tâm thức dân gian là sao xấu. Nhật/nguyệt thực là bất thường báo hiệu bất ổn, tối tăm, sao chổi xuất hiện báo hiệu tai ách. Vậy, tử vi ai trong năm mà ứng với phương vị đó thì sẽ gặp hạn. Muốn yên lành thì nhờ thầy cúng giải hạn. Cũng vì nghi lễ cúng sao và giải hạn gần gũi nên người ta nhờ nhà sư dâng sao và giải hạn một thể.
Người ta đi chùa có ba việc chính: Lễ bái, cúng dường và tham quan cảnh đẹp. Giải hạn thuộc về lễ bái. Ngày xưa, thí chủ thường là lý gia (người giàu) hoặc vua quan tôn thất thì người ta cúng rất nhiều: Ruộng đất, vàng bạc, chùa tháp. Dân thường thì giản dị: Tiền giọt dầu, hương hoa, thức ăn, vật dụng thường nhật. Nhà chùa tồn tại dựa trên nguồn kinh tế đó và làm phúc cho tất cả chúng sinh cũng như quảng hoằng phật pháp. Bây giờ, nhiều nơi, nhiều chùa, nhiều vị sư vẫn theo lệ như vậy. Tuy nhiên, cũng nhiều chùa, chủ yếu ở Bắc bộ, người ta đặt ra lệ phí như hợp đồng làm ăn. Cái sòng phẳng thị trường nhiều khi nó chuyển nhanh sang chuyện trục lợi tín ngưỡng. Trong Phật học gọi là Tham, một trong ba ác nghiệp mà không nên vướng vào.
Như tôi đã nói, cầu quốc thái dân an thì có tấm lòng với dân với nước, còn dâng sao giải hạn chỉ đáp ứng tâm lý người tin theo. Nhiều người ở nước khác không theo cúng sao cũng không gặp vận hạn, vẫn văn minh phát triển đó thôi. Tín ngưỡng thì tùy chuyện tin hay không tin, nhưng mê muội vào điều mê tín thì hoàn toàn không nên chút nào. 
Lại Tấn ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần