Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trục tam giác kinh tế: Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế đầu tàu trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đến nay, dù diện tích bằng 21,2% so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và bằng 1% cả nước; dân số Hà Nội bằng 41,7% so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và bằng 8,1% dân số cả nước nhưng Hà Nội đóng góp tới 51,1% GRDP của vùng và 16,46% GDP của cả nước; thu ngân sách bằng 54,1% của vùng và 19,05% của cả nước...

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Tận dụng những lợi thế
Với vị trí trung tâm của toàn Vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục là đầu mối trung tâm dịch vụ trình độ cao, có vai trò định vị và thúc đẩy hình thành một số khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi liên kết sản xuất và các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá dọc các hành lang kinh tế kết nối với cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc gia và quốc tế.Hà Nội đang định vị mình thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh.
Đồng thời phát triển các DN nhỏ và vừa sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm thủ công truyền thống; hình thành 3 trung tâm logistics (Bắc Hà Nội, Nam Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài).
Ngoài ra, còn có Trung tâm giao dịch hàng hóa, trung tâm bán buôn, trung tâm phân phối, tổng kho đầu mối phục vụ hai hành lang kinh tế và các tuyến thương mại liên vùng; hình thành các trung tâm triển lãm cấp quốc gia, quốc tế, các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao lưu quốc tế đóng vai trò kết nối nội Vùng và giữa Vùng Thủ đô Hà Nội với các vùng khác.
Hà Nội còn có vai trò quan trọng cùng với các địa phương phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội thành vùng du lịch trung tâm, quan trọng của miền Bắc với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù, kết nối với du các vùng lân cận và gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, dự trữ phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, Hà Nội đóng vai trò trung tâm và góp phần hình thành chuỗi hệ thống công trình văn hóa hiện đại, phong phú, hấp dẫn và hiệu quả dựa trên các vùng văn hóa đặc trưng; là trung tâm đào tạo cho Vùng Thủ đô, với mục tiêu đến năm 2020 đào tạo khoảng 1 - 1,2 triệu sinh viên, đến năm 2030 khoảng 1,4 - 1,6 triệu sinh viên; ưu tiên đào tạo đại học và sau đại học ở các ngành khoa học cơ bản.
Hà Nội còn có vai trò là trung tâm y tế lớn của cả nước; với định hướng xây dựng các trường đại học trọng điểm cho Vùng và cả nước, đầu tư xây dựng các trường đại học, các tổ hợp công trình y tế, các trung tâm trung tâm đào tạo, huấn luyện và thể dục thể thao chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Hà Nội cũng có vai trò đầu mối giao thông Vùng và liên vùng với mạng lưới giao thông đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải, gồm đường sắt quốc gia, đường sắt nội đô, đường bộ và đường hàng không, đường thủy, cảng cạn, đường sắt, đường cao tốc hướng tâm và vành đai kết nối đồng bộ và hiện đại, phù hợp với các đô thị và địa phương dọc các hành lang kinh tế lớn.
Sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Công Hùng
Tăng sức lan tỏa
Đến nay, 15 tỉnh, TP thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã ký biên bản hợp tác giai đoạn 2017 - 2020. Đặc biệt, tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã có 24 biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó có 7 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, TP thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP đang và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương tham khảo và chia sẻ thông tin trong xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; phát triển các ngành du lịch, thương mại, nông nghiệp, giao thông vận tải, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với tính đặc thù của Vùng và khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương.
Đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ môi trường sinh thái và chế biến, bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi trên thị trường; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; phát triển mạng lưới logistics vùng và ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương...
Cùng với đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Hạ Long và tuyến đường bộ ven biển, cầu Bạch Đằng, Quốc lộ 17B, dự án đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô đoạn đi qua địa bàn các tỉnh và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã đi vào hoạt động.
Qua đó, kết nối tiếp với trục cao tốc Lào Cai - Hà Nội thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam… trở thành đòn bẩy kích thích sự tăng trưởng bền vững cho tam giác kinh tế và “tam giác vàng” về du lịch, nghỉ dưỡng phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đẩy mạnh liên kết trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực; trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Phối hợp các biện pháp phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm cho người và gia súc, gia cầm; phối hợp đề xuất và xây dựng giải pháp phát triển các tuyến giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm nói chung và giữa 3 tỉnh, TP nói riêng.
Liên kết vùng, nhất là trên hai lĩnh vực chủ yếu: Liên kết trong công tác lập quy hoạch phát triển và liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn... sẽ trở thành một phần rất quan trọng của Hà Nội trong việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra, để Hà Nội tiếp tục là vai trò động lực, dẫn dắt phát triển, phát huy hiệu quả sức mạnh liên kết và lan tỏa phát triển với các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Tây Bắc và cả nước…

Vùng Thủ đô Hà Nội hiện gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Vùng có tổng diện tích khoảng 24.314,7km2 và được quy hoạch là vùng phát triển kinh tế tổng hợp; dân số - lao động đến năm 2030 khoảng 21 - 23 triệu người và có tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55 - 60%.