Tổng thuật: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội ngày 30/10

Công Thọ - Thu Giang - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30-31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Tiếp tục ngày làm việc, chiều 30/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại  hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Cũng trong chiều 30/10, hai bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư pháp sẽ chính thức đăng đàn trả lời chất vấn.

Văn hóa phải trở thành vốn kinh tế để phát triển bền vững

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu, động lực của phát triển KT-XH. Chỉ khi nào văn hóa trở thành vốn kinh tế và con người được coi là nhân tố quyết định cho sử dụng các nguồn lực khác và tạo dựng môi trường văn hóa cho hoạt động kinh tế thì lúc đó chúng ta mới có sự phát triển bền vững.

"Chúng ta vui mừng trước các kết quả kinh tế, nhưng kinh tế không phải yếu tố duy nhất cải thiện chất lượng đời sống của người dân, thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì đến lúc nào đó sẽ có hậu quả khôn lường về mặt xã hội." - Đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh.
 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu.

Sau khi chỉ ra một loạt thực trạng buồn về văn hóa, xã hội thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đời sống của người dân, bao gồm cả đời sống vật chất và tinh thần. Một số hiện tượng xã hội cần được nghiên cứu, phân tích để có biện pháp xử lý thỏa đáng.

Theo đại biểu Mai Hoa, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu, động lực của phát triển KT-XH. Chỉ khi nào văn hóa trở thành vốn kinh tế và con người được coi là nhân tố quyết định cho sử dụng các nguồn lực khác và tạo dựng môi trường văn hóa cho hoạt động kinh tế thì lúc đó chúng ta mới có sự phát triển bền vững.

"Chúng ta vui mừng trước các kết quả kinh tế, nhưng kinh tế không phải yếu tố duy nhất cải thiện chất lượng đời sống của người dân, thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì đến lúc nào đó sẽ có hậu quả khôn lường về mặt xã hội." - Đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh.

Sau khi chỉ ra một loạt thực trạng buồn về văn hóa, xã hội thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đời sống của người dân, bao gồm cả đời sống vật chất và tinh thần. Một số hiện tượng xã hội cần được nghiên cứu, phân tích để có biện pháp xử lý thỏa đáng.

Không để những kẻ "luồn lách" thu lợi trên sức khỏe người dân

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, thời gian qua có rất nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường đã xảy ra, tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở thành phố lớn đã lên mức báo động đỏ. Khí thải độc hại không phải chỉ ở phương tiện giao thông đường bộ mà có đến 75% từ các nguồn thải khác.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần sự can thiệp chính sách, sự phối hợp của nhiều ban, ngành địa phương mới có khả năng khắc phục vấn đề này. Không thể cải tạo không khí bằng các biện pháp đơn lẻ, như che giấu kết quả quan trắc, hay xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng.

Chúng ta có Quỹ bảo vệ môi trường nhưng hoạt động của Quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. “Liệu chúng ta có thể đưa tiêu chí rất cụ thể cải thiện chất lượng môi trường năm sau không xấu hơn năm trước”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu vấn đề.

Vừa qua, vấn đề nước sạch đã tạo ra hình ảnh rất đặc biệt ở thủ đô Hà Nội như thời bao cấp để người dân đi xếp hàng hứng nước. Theo đại biểu, “sự việc này lộ ra sự quản lý lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra nhiều khe hở để những cho những kẻ luồn lách thu lợi trên sức khỏe người dân”. Do đó, cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đã ký với công ty cấp nước cổ phần hóa để bảo đảm cấp nước sạch trên phạm vi cả nước, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.

Cũng theo đại biểu, các dự án xẻ núi, phá rừng cần được rà soát để tìm thấy bất cập, khuyết điểm, tránh khi bị nhân dân, báo chí phanh phui lại tìm ra cách che đậy không từ thủ đoạn nào dẫn đến tội ác. Đấy là chưa kể một bộ phận những người có trách nhiệm đã cho qua với suy nghĩ đơn giản “môi trường là cái gì rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ”.

Đầu tư nguồn lực đúng mức, chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch

Đây là đề nghị được ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đưa ra với Chính phủ để thực thi Luật Quy hoạch năm 2017 để có sự tích hợp đầy đủ, đồng bộ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương, nhằm tạo điều kiện cho phát triển KT-XH và đại hội đảng bộ các cấp sắp tới. Hiện nay, nhiều địa phương chuẩn bị hoàn thành quy hoạch của địa phương mình, nhưng do chưa hoàn thành quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia nên gặp nhiều khó khăn.

 ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) phát biểu.

Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết 37/NQ-TW 2018 của Trung ương và Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của QH, ĐB Nguyễn Sơn đề nghị, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương của năm 2020. Theo đó, cần có quyết tâm cao, nguồn lực lớn để tạo được sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận lớn trong nhân dân, sớm hoàn thành trước thềm đại hội đảng và bầu cử các cấp sắp tới. Ở đây, “cần quan tâm tới chính sách và phương thức thực hiện thuận lợi cho các bộ, ngành”, ĐB Nguyễn Sơn nêu rõ.

Tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp

Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) mở đầu buổi thảo luận chiều 30/10 có một số ý kiến  về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng một số chỉ tiêu thì tính bền vững chưa cao. Về lý thuyết cho thế thấy, tăng trưởng GDP phản ánh động thái tăng trưởng, tầm vị trí quan trọng, thời gian qua, dưới sự nỗ lực của ngành nông nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên ngành nông nghiệp nước ta chuyển dịch cơ cấu chưa rõ nét, nền nông nghiệp của nước ta chậm chuyển biến so với xu thế chung của thế giới hiện nay là sản xuất tập trung, chất lượng cao, tăng cường liên kết, gắn bó lợi ích của các chủ thể trong chuỗi giá trị, tiết kiệm tài nguyên, hữu cơ hóa, sạch hóa. Về thị trường nhập khẩu nông sản, dù thời gian qua kim ngạch nông sản có xu hướng tăng nhưng dư địa xuất khẩu nông sản của Việt Nam có nhiều biểu hiện thu hẹp dần, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong đó có gạo, giá trị rất thấp, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu hàng nông thủy sản gặp nhiều khó khăn, và thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhất là tỉ lệ trái cây, rau quả chiếm trên 90% tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này, và còn phụ thuộc nhiều vào đường tiểu ngạch. Từ 1/1/2019, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc và có giấy tiếp nhận kiểm dịch trong khi nước ta lại phải nhập khẩu trái cây và đáng lưu ý là khoảng 70% giá trị nhập khẩu trái cây trùng với các loại sản phẩm trong nước mà chúng ta sản xuất được. Đồng thời ngành thủy sản gặp nhiều bất lợi trong việc ủy ban Châu Âu chưa gỡ thẻ vàng và thực trạng này trong thời gian qua chúng ta cố gắng giải quyết nhưng hiệu quả chưa cao.

Do đó, đại biểu Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ có hiệu quả những tồn tại trong thời gian còn lại đề nghị cần có  quy hoạch điện nước dựa trên dựa báo thị trường để tránh trường hợp người dân đổ xô trồng dưa hấu, thanh long… và đang mở rộng diện tích trồng cam, xoài… phải giải cứu. Đồng thời sớm giải quyết tháo gỡ thực trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi giá trị thích ứng với thị trường và phù hợp với khả năng, điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam, phát triển nông nghiệp công nghệ cao chú ý tới khởi nghiệp, ngoài ra sản xuất hàng hóa quy mô lớn không thể không thực hiện nếu không gắn bó với đường giao thông, hạ tầng, thủy lợi, khả năng kết nối và đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu Ánh Tuyết cũng cho biết: "Để thúc đẩy động lực mới cho nông nghiệp, bộ tiêu chuẩn chất lượng là đặc biệt cần thiết để làm căn cứ cho nhiều hoạt động như căn cư để các tổ chức tín dụng cho vay vốn, căn cứ để nông dân và doanh nghiệp sản xuất theo yêu cầu của thị trường, song song thực hiện các chính sách và định hướng để nhà nước, cần tập trung và tác động vào hai chủ thể là nông nghiệp và người nông dân, bên cạnh yêu cầu về lương thực hiện nay, thay đổi lớn so với trước đây, vì thế tư duy an ninh lương thực cũng cần phải thay đổi từ chú trọng số lượng chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm theo tư duy kinh tế nông nghiệp, cần nhìn nhận đúng khái niệm an ninh lương thực trong bối cảnh nhu cầu hiện nay kèm theo với an ninh dinh dưỡng để cân đối quy hoạch sản xuất phù hợp trong cung cầu bất hợp lý, cần quan tâm giải quyết một số vấn đề cấp bách hiện nay do biến đổi khí hậu gây sạt lở, gây nguy cơ nước biển dâng, tình hình sụt lún ngày càng thách thức nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long."

Vấn đề thứ hai được bà Ánh Tuyết đưa ra là việc đầu tư nguồn lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng này là vùng trũng nhất là cơ sở hạ tầng, đang là điểm nghẽn cho sản xuất tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp cũng như lan tỏa phát triển công nghiệp chế biến, du lịch và sẽ trong vòng luẩn quẩn, ngày càng tụt hậu nếu không có sự đầu tư tương xứng cho khu vực này. Theo kế hoạch đầu tư trung hạn, giai đoạn 2016-2020, là bố trí gần 149 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,3% so với cả nước, tuy nhiên trong điều kiện sức phát triển thấp như  hiện nay, không thể thay đổi bộ mặt tích cực để góp phần nhanh  tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước được nếu không thay đổi tư duy về đầu tư.

Từ các phân tích trên, bà Ánh Tuyết đề nghị "Chính phủ có chính sách đặc thù về đầu tư, chính sách thu hút doanh nghiệp và tạo điều kiện để vùng đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đề nghị sớm triển khai tuyến cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc, đồng thời đề nghị Chính phủ có nguồn vốn bố trí riêng cho các nhiệm vụ liên vùng và có cơ chế tài chính đặc thù khác để khai thác lợi thế về môi trường, lợi thế đặc trưng riêng của vùng đồng bằng sông Cửu Long."

Đầu giờ sáng đã có 105 đại biểu đăng ký phát biểu. Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu vướng mắc liên quan tới thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 
Sau khi hoàn thành dự án này, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh, dù năm 2018 Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn đốc thúc chủ đầu tư là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC).
 Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) 

Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng.

Đại biểu đưa ra 4 nguyên nhân khiến tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu về vấn đề tai nạn giao thông, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, tổng số vụ tai nạn giao thông năm 2019 đã giảm trên cả ba tiêu chí tuy nhiên lại tiếp tục xảy ra một số vấn đề nghiêm trọng  gây bất an, lo lắng trong xã hội như: tuy tổng số vụ trên cả nước giảm nhưng lại xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người trong một vụ, xuất hiện ngày càng nhiều lái xe dương tính với ma túy đã khiến cho không ít người dân phải chịu cái chết thương tâm, để lại hậu quả lâu dài với gia đình họ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân còn những chủ thể liên đới  nhưng vẫn vô can, đứng ngoài, chưa phải chịu trách nhiệm, cụ thể có 4 vấn đề sau: Thứ nhất, đối với các đơn vị đào tạo lái xe, theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì quy định của Việt Nam về đào tạo lái xe là khá chặt chẽ, thời gian thực hành lái xe khá dài.

Ví dụ, cùng là đào tạo lái xe B1, thời gian đào tạo của Việt Nam là 84 giờ, trong khi của Nhật Bản chỉ là 59 giờ, như vậy, pháp luật cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là phải học thật, thi thật. Tuy nhiên thực tế, nắm bắt tâm lý của một bộ phận không muốn đi học nhưng muốn có bằng lái xe, thời gian qua, công tác phát sinh nhiều tiêu cực, trong quá trình đào tạo, không ít cơ sở đã cắt xén quá trình dạy, thay vì dạy bài bản để lái xe an toàn thì lại dạy mẹo, dạy các tiểu xảo để với mục đích cao nhất là thi đỗ.

Trước hiện tượng có nhiều người ở phía Nam nhưng lại đăng ký học lái xe tại một số cơ sở ở phía Bắc, cử tri đặt câu hỏi, điều gì đã thu hút các học viên này đăng ký trong khi mà đường xa, đi lại vất vả, chi phí ăn ở tốn kém hơn nhiều lần hơn là học ở tỉnh nhà, phải chăng là có những cơ sở học dễ, thi dễ, nghiêm trọng hơn là có tình trạng bao thi, bao đỗ, đóng tiền trọn gói để mua bằng như phóng sự của VTV 1 đưa tin ngày 11/3/2019.

Trước thực trạng đó, trước hội nghị trực tuyến ngày 22/7 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ rõ, xuất hiện các điểm đen tại các cơ quan đăng kiểm sát hạch lái xe, đồng thời chỉ đạo bộ Công an lập chuyên án để điều tra các tiêu cực trong công tác này, chúng tôi nhận thấy đối với những tiêu cực trong đào tạo sát hạch lái xe phải bằng các chuyên án mới phát hiện được, còn nếu cứ thanh tra theo kế hoạch thì sẽ rất khó, bởi mọi hồ sơ đều đã được làm tròn.

Thứ hai, đối với đơn vị kinh doanh vận tải, luật quy định, các đơn vị này phải tổ chức khám sức khỏe định kì cho lái xe một năm một lần, quy định là vậy song không ít doanh nghiệp đã khoán trắng việc khám sức khỏe cho lái xe để lái xe tự đi khám sau đó mang kết quả về lưu hồ sơ doanh nghiệp.

Thậm chí, có những doanh nghiệp cũng không yêu cầu lái xe phải đủ giấy khám sức khỏe. Hậu quả là vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do lái xe dương tính với ma túy khiến cho xã hội bàng hoàng, phẫn nộ. Chỉ tính riêng đầu năm 2019, qua kiểm tra đột xuất đã phát hiện 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.

Đại biểu Thủy nhấn mạnh: "Luật quy định các đơn vị này phải đảm bảo thời gian làm việc của lái xe không được quá 10 tiếng một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 tiếng. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp đã ép lái xe tăng chuyến, tăng thời gian, nhiều lái xe tâm sự còn có những doanh nghiệp vì muốn khai thác tối đa xe nên tài xế và xe hầu như lênh đênh trên đường suốt cả ngày lẫn đêm.

Có những doanh nghiệp chỉ quan tâm khoán giờ nhận hàng và giờ trả hàng còn an toàn hay không là do lái xe tự chịu trách nhiệm và rõ nhất là ngày cuối của các dịp nghỉ lễ tết, lái xe phải quay vòng liên tục về các tỉnh xa để đón khách trở về thành phố lớn và hậu quả là vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do lái xe chạy quá sức, ngủ gật."

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguyên nhân thứ ba xảy ra tai nạn giao thông là đối với các cơ sở y tế thực hiện việc khám sức khỏe cho lái xe, luật quy định rất chặt chẽ, việc khám sức khỏe phải được thực hiện ở ba khâu: khâu đào tạo, khâu sát hạch và khám định kỳ trong quá trình lái xe, tuy nhiên cử tri và chính các lái xe phản ánh có nhiều tiêu cực trong công tác này như: nhiều trường hợp không cần đến khám chỉ cần bỏ ra 200 ngàn đồng và cung cấp thông tin về chiều cao cân nặng là có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để lái xe, có những trường hợp đến khám chỉ hỏi và ghi, bác sĩ không khám, không xét nghiệm. Và với cách làm như trên dẫn đến thực tế vừa qua có những trường hợp bị bệnh tâm thần vẫn cấp giấy phép lái xe như xảy ra tại các tỉnh Hòa Bình, Đắk Nông.

Thứ tư, đối với hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát giao thông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhờn luật giao thông trong thời gian qua, có liên quan đến hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát trong một số còn chưa nghiêm, thậm chí là có những trường hợp tiêu cực, có thể lấy ví dụ về vụ án nghiêm trọng liên quan đến 7 thanh tra giao thông được đưa ra xét xử nghiêm minh thời gian qua, 7 thanh tra này đã câu kết với các “cò” bên ngoài nhận tiền hối lộ của 57 doanh nghiệp trong suốt nhiều năm để không bị kiểm tra. Những tiêu cực nêu trên đã gây bức xúc trong dư luận nhưng nghiêm trọng hơn là nó đã góp phần làm hình thành suy nghĩ của không ít người cho rằng: cứ vi phạm, nếu bị phát hiện thì có thể xin được, hoặc nếu không xin được thì có thể hối lộ được. Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Công an, Bộ Giao thông trong việc áp dụng các giải pháp để chống tiêu cực trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm để loại bỏ tận gốc những con sâu làm rầu nồi canh.

Theo báo cáo của Chính phủ từ đầu năm đến nay cả nước đã có hơn 5600 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, như vậy đã có hơn 5600 ra khỏi nhà, đi làm, đi học và đã vĩnh viễn không bao giờ trở về.

"Giảm tải tai nạn giao thông cần đến nhiều giải pháp nhưng trước hết phải là sự nghiêm khắc của pháp luật dành cho những đối tượng vi phạm. Mọi đối tượng tiêu cực, vi phạm phải bị phát hiện triệt để và xử lý nghiêm, không  thể vô can, đứng ngoài, không phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mọi người dân mới được bình an và không còn nước mắt rơi vì tai nạn giao thông." - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Tăng cường năng lực toàn diện cho y tế cơ sở

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho biết, ước tính cả nước hiện còn khoảng 35% số trạm y tế xã cần được đầu tư, chủ yếu là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều xã chưa có trạm y tế phải đi mượn cơ sở hoặc xã có trạm nhưng bị xuống cấp hư hỏng nặng. Trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh từ nhiều nguồn, nhiều thời điểm khác nhau nên thiếu tính đồng bộ.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Có xu hướng bác sĩ có trình độ năng lực chuyên môn chưa thực sự yên tâm làm việc tại tuyến y tế cơ sở mà muốn làm việc ở tuyến trên. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản còn có mặt hạn chế về chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, người dân chưa thực sự tin tưởng với chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.

Đại biểu kiến nghị, để góp phần khắc phục cơ bản tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, cần xem xét, đổi mới cơ chế tài chính cho tuyến y tế cơ sở , bảo đảm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đồng thời có chính sách thu hút, tăng cường năng lực toàn diện cho tuyến y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, bảo đảm mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong sử dụng các dịch vụ y tế và nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng, khám, chữa bệnh.

Cảnh giác, tỉnh táo, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống

Phát biểu tham luận, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng (đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng: Năm 2019, tình hình an ninh chính trị thế giới có rất nhiều biến động, đặc biệt là các nước lớn đã điều chỉnh về chính sách và chiến lược quốc phòng quân sự, tăng chi ngân sách quốc phòng và tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh ở quy mô vừa và quy mô lớn.

Tình hình khu vực biển Đông có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh an toàn biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới; đồng thời đe dọa đến an ninh khu vực và an ninh thế giới.

Trước tình hình này, Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình; tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo Công ước, Luật pháp quốc tế, Luật Biển năm 1982.

Theo Trung tướng Trần Việt Khoa: Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta,... Tình hình hiện nay với đặc điểm, những yếu tố tác động tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong việc giữ vững môi trường độc lập, phát triển đất nước.

“Việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phải luôn phải cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, Trung tướng Trần Việt Khoa phát biểu.

Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”

Đây là nhận định của ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm để tìm được căn nguyên của vấn đề này thì cần nhìn lại cả quá trình phát triển.

Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400). Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… “hóa rồng, hóa hổ” còn chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Số liệu cho thấy, chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế. Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi. Đồng thời, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Và thực ra cùng thời kỳ phát triển, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bình quân từ 8 đến 10%/năm.

 Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu.

Trong điều kiện thế giới và khu vực nhiều biến động, khó lường; các nước lớn có thể thỏa hiệp khi đạt lợi ích mà bỏ qua lợi ích của nước khác; chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay lại; trong quan hệ đa phương, song phương các quốc gia đều tính toán kỹ để bảo đảm lợi ích của quốc gia mình; nên việc tận dụng, hưởng lợi từ chia xẻ công nghệ cốt lõi, thành tựu khoa học vượt trội của các nước để đi tắt, đột phá, vươn nhanh ngày càng khó khăn; việc bứt phá về tăng trưởng, việc thoát khỏi vị thế gia công, lắp ráp ngày càng nhiều trở ngại. Giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Từ những phân tích kể trên, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục, đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp; có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn vậy phải có kênh, nguồn vốn, chính sách cho khởi nghiêp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro vì theo thống kê chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công còn 94% là thất bại nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn. Ba vấn đề không mới, đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện.

“Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ”, ông Hàm nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, đời sống của nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa cùng với tốc độ tăng trưởng. Cần có chỉ tiêu pháp lệnh để nhận rõ vấn đề này. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI vì các doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu, phần hưởng lợi đó được tính trong tổng GDP của nước ta nên cần phải loại trừ yếu tố này mới nhìn nhận phù hợp thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Đây không phải là bất cập. Đất nước đi lên từ gian khó chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, việc thu hút FDI một cách chọn lọc là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp.

Do đó, ông Hoàng Quang Hàm đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu GNI “thu nhập quốc dân” để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân.

Phải có giải pháp bảo vệ, giữ gìn nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long

Nhấn mạnh về một vấn đề đang nổi lên ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ĐB Nguyễn Thanh Xuân nêu rõ, phải có giải pháp khai thác, bảo vệ, giữ gìn nguồn nước ngọt bởi tình hình bất thường nguồn nước trong thời gian qua, cùng với tác động của biến đổi khí hậu cho thấy có rủi ro tiềm ẩn đối sự với sự phát triển của vùng. Điều này sẽ tác động lớn đến sự phát triển, bảo đảm an ninh lương thực của vùng và của quốc gia.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân phát biểu.

Nếu trước đây, vấn đề làm đê bao sản xuất có vẻ phù hợp khắc phục hạn chế của lũ đến đời sống, sản xuất của người dân, thì nay không còn phù hợp nữa, thậm chí gây tác động tiêu cực trong sản xuất, gây ngập ở các địa phương hạ nguồn như TP Cần Thơ, gây sạt lở hai bên dòng sông, lở từ đầu vào đến các kênh rạch. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị, Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương xây dựng chương trình nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện về tình trạng quản lý, khai thác, cũng như giải pháp khai thác bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt bị ảnh hưởng, chịu tác động của biến đổi khí hậu.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh: “Cần suy nghĩ nghiêm túc việc xây dựng Luật Đồng bằng để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, phát triển các đồng bằng như đồng bằng Sông Hồng hoặc sông Cửu Long, hoặc chí ít có Ủy ban quốc gia về đồng bằng, để thực hiện vai trò điều phối, quản lý tổng thể khai thác tài nguyên các vùng đồng bằng trên cả nước. Việc này chúng ta có thể tìm hiểu thêm về Luật Đồng bằng và Cao ủy đồng bằng của Hà Lan, nơi có nhiều kinh nghiệm và đạt hiệu quả cao trong quản lý đồng bằng".

Cũng theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân, một vấn đề không được báo cáo của Chính phủ đưa ra nhưng có vai trò quan trọng với khu vực ĐBSCL là phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, với kỳ vọng tạo đòn bẩy phát triển khu vực này. Nhưng số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2011 - 2017 tăng trưởng của vùng xấp xỉ tăng trưởng bình quân cả nước; quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng chỉ chiếm 29,63%... Cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL chưa đạt vai trò như kỳ vọng, ông Xuân kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm phát triển các ngành sản xuất của vùng như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ công nghiệp…

Đại biểu Quốc hội không hiểu vì sao cao tốc Trung Lương- Cần Thơ luôn gặp khó khăn, vướng mắc

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhận định, về kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, nền sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như dịch tả lợn Châu phi; thiên tai lũ lụt, sạt lở bờ sông; giá nông sản còn thấp; nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm vẫn còn tiếp diễn. Do đó, rất mong Chính phủ có chỉ đạo để khắc phục vấn đề này, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp. Về tình hình xã hội, các vụ khiếu nại, tố cáo vẫn còn cao, tính chất phức tạp. Vấn đề này cần được xem xét trách nhiệm từ hai phía, phía các cơ quan công quyền và phía nhận thức từ người dân. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá rõ tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) thẳng thắn cho biết: "Về cao tốc Trung lương- Cần thơ, tôi muốn nói đến trách nhiệm của các ngành, các cấp, vấn đề đặt ra là tại sao một số tuyến đường khác nhu cầu chưa cấp thiết và mức độ cấp thiết ít hơn, cụ thể là xây dựng xong, lưu lượng xe lưu thông thưa thớt thì được triển khai thực hiện một cách nhanh chóng và suôn sẻ trong khi các tuyến đường cao tốc này luôn gặp khó khăn, vướng mắc trong đó có cả khó khăn về vốn, tôi hi vọng này sau kỳ họp này, với sự quyết liệt của các ngành, các cấp, tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ sẽ hoàn thành đúng tiến độ và tiến tới đầu tư tuyến cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn từ năm 2021-2025 để đến năm 2025 sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chúng ta sẽ có một hệ thống đường cao tốc hiện đại thông suốt từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau."

Cũng theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, về nội dung chất lượng các bản án và kết quả giải quyết khiếu nại với công dân, phải thừa nhận sự cố gắng của các ngành, các cấp trong thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại có nhiều tích cực, một điều nhận thấy là hàng năm từ cơ sở đến trung ương đã giải quyết rất nhiều đơn yêu cầu, khiếu nại tố cáo của công dân, góp phần giải quyết đáng kể các mâu thuẫn trong xã hội, tạo tiền đề cho sự an dân, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận các vụ tố cáo vẫn còn cao, phức tạp, điển hình là nhân sự kiện trọng đại của quốc gia, địa phương, sự kiện các cấp lãnh đạo về làm việc tại địa phương hay các kỳ hợp quốc hội thì chúng ta không khó khăn lắm gặp các nhóm, thậm chí từng đoàn người giăng cờ, biểu ngữ để kêu oan, để yêu cầu giải quyết các vụ việc cụ thể, với cá nhân mình tôi hoàn toàn không thống nhất với cách làm của các người dân nêu trên vì đất nước của chúng ta có luật pháp, việc yêu cầu tố cáo phải được thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật, tuy nhiên theo tôi cũng phải xem xét thấu đáo trách nhiệm từ hai phía, vì không phải đương nhiên mà nhiều hộ trong điều kiện khó khăn phải dành dụm tiền của, thời gian, sức lực để đến Hà Nội, nếu không vì uất ức, vì bị chèn ép, vì oan sai mà một số cấp, chính quyền, cơ quan bên khối tư pháp giải quyết chưa thấu đáo thậm chí chưa đúng quy định của pháp luật, mà cụ thể là có những bản án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên chỉ chờ thi hành án thì yêu cầu đi gặp cơ quan, hết cơ quan này đến cơ quan khác thì sau một thời gian được cấp giám đốc thẩm xử thắng án hay có những vụ việc tranh chấp đất đai xử lý qua cấp cơ quan hành chính từ cấp huyện đến cấp tỉnh thống nhất ban hành quyết định, cuối cùng như hộ bị kiện thì tiếp tục yêu cầu xử lại, lại được thắng kiện, thử hỏi, chúng ta là người trong cuộc, chúng ta suy nghĩ gì, cấp cơ sở địa phương yếu kém chăng, nếu yếu kém thì xử lý thế nào hay còn vì một lý do gì khác, có tham nhũng, có chia chác lợi ích từ kết quả giải quyết xét xử hay không, nếu không thì tại sao cùng một hệ thống pháp luật, cùng một vụ việc mà mỗi nơi lại giải quyết một kiểu khác nhau và từ hệ quả này sẽ dẫn đến tình trạng mất niềm tin từ các cấp chính quyền, tạo ra các dư luận không tốt đối với các cơ quan nhà nước và tạo ra sự bất tuân dân sự và từ đó các vụ khiếu nại đến cơ quan trung ương ngày một nhiều, các vụ yêu cầu giám đốc thẩm ngày càng tăng, từ nội dung trên, tôi kiến nghị chính phủ cần đánh giá đúng tình hình khiếu nại tố cáo hiện nay để từ đó đề ra các giải pháp giải quyết một cách hữu hiệu.

Văn hóa và giáo dục là hai nội dung được ĐBQH Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) đề nghị Chính phủ phải tiếp tục quan tâm

Về văn hóa, theo ĐB Ánh, nguồn lực đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn rất thấp và hạn chế. Qua báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, nguồn ngân sách này dành cho dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khoảng 76 tỷ/năm và 58 tỷ/năm đối với nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết của 118 công trình di tích cấp quốc gia. Nếu chia bình quân thì chưa đầy 500 triệu đồng/công trình. Ngoài ra việc quản công trình di tích cấp quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng. Quản lý cấp phép các tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo làm kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền liên quan đến vấn đề biển Đông mà báo đài đã nêu trong thời gian vừa qua. Việc sắp xếp bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật trên cả nước còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.

 Đại biểu Dương Minh Ánh phát biểu.

Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị, Chính phủ làm rõ các vấn đề này trong báo cáo và có giải pháp cụ thể để giải quyết một cách căn cơ, ưu tiên bố trí tăng cường nguồn ngân sách tu bổ các công trình văn hóa, bảo đảm phát huy giá trị di sản văn hóa; có giải pháp quản lý chặt chẽ, thận trọng hơn đối với việc cấp phép phát hành các tác phẩm điện ảnh, các ấn phẩm. Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành địa phương nghiên cứu kỹ sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, lưu ý vấn đề như y tế, văn hóa nghệ thuật và thể dục, thể thao, tránh sắp xếp cơ học, nóng vội, duy ý chí.

Về giáo dục, thời gian qua, cử tri quan tâm đến việc tổ chức thi THPT quốc gia. Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, việc thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT khiến cử tri chưa yên tâm. Phương thức thi này là nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; tạo nên cách dạy và học tư duy với môn này bị thay đổi, thầy cô chỉ cần dạy cho học sinh biết cách làm bài thi trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài, còn học sinh chỉ cần khoanh tối đa phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất. Cách học này dẫn đến tình trạng học sinh bỏ qua các bước khi làm một bài toán và tư duy logic - cái cần phải có trong học môn toán thì lại bị xem nhẹ, học sinh chỉ cần ra đáp án đúng là đủ. Chính vì vậy, nhiều thầy giáo ở các trường đại học dạy các môn khoa học tự nhiên đã có ý kiến về chất lượng của học sinh THPT trong thời gian gần đây, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo chung của cả hệ thống. ĐB Dương Minh Ánh đề nghị Chính phủ lắng nghe ý kiến cử tri lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu lại phương thức thi trong thời gian tới.

Phát triển giao thông để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng miền núi và đồng bằng

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) chia sẻ: Khu vực miền núi và dân tộc thiểu số có tỉ lệ hộ nghèo nhiều nhất, tỷ lệ bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với cả nước chỉ bằng 40-50% tỷ lệ chung của cả nước, dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm  55,27% trong tổng số hộ nghèo cả nước, chất lượng nguồn nhân lực thì thấp nhất, vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15% chưa đọc thông viết thạo, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất…

Theo đại biểu Bế Minh Đức, nguyên nhân của tình trạng trên là do vùng dân tộc thiểu số miền núi chủ yếu là do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chi phí sản xuất lưu thông hàng hóa lớn nên khó thu hút nguồn lực, hệ thống chính sách phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào miền núi chưa thực sự đồng bộ, phân định đồng bào miền núi theo sự phát triển còn bất cập, phân bổ nguồn lực còn chưa hợp lý, vốn đầu tư cho sự phát triển của miền núi 5 năm qua rất thấp nhất là vốn quy hoạch đầu tư hạ tầng.

Do đó, để phát triển các chủ trương, cơ chế, chính sách của đảng và nhà nước đồng thời khắc phục hạn chế nếu trên, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét một số nội dung sau: "Một là, đề nghị quốc hội, bộ ngành quan tâm nghiên cứu có cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm cho các địa phương miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, trong xây dựng chính sách, phân bổ nguồn lực cần xem xét đến những đặc điểm, khó khăn đặc thù của miền núi, vùng dân tộc thiểu số như địa hình phức tạp, chia cắt, hạ tầng thấp kém, thiếu sự kết nối, vốn đầu tư còn hoàn toàn phụ thuộc ngân sách trung ương vì vậy để sớm cho vùng này phát triển, cử tri miền núi đề nghị nâng mức vốn đầu tư hàng năm từ các chương trình lên gấp đôi, gấp ba so với hiện nay.

Hai là thực tế cho thấy điểm nghẽn lớn nhất kìm nén sự phát triển của các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số chính là hạ tầng giao thông, đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, đường bộ kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện cho kết nối liên vùng, thúc đẩy cho phát triển hàng hóa, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ, du lịch, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Do khu vực này, trong đó có tỉnh Cao Bằng duy nhất chỉ có đường bộ, đường nhỏ hẹp quanh co, hiểm trở, đi lại khó khăn, điều này làm cản trở sự phát triển cũng như kết nối với các địa phương  trong vùng để phát triển kinh tế-xã hội, trong khi đó các vùng khác có đầy đủ hệ thống giao thông như đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường cao tốc."

Cũng nhân đây, thay mặt cử tri tỉnh Cao Bằng, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Quốc hội bố trí vốn để đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng-Lạng Sơn-Trà Lĩnh Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng là tỉnh nghèo nhưng đã chủ động bố trí nguồn vốn theo cam kết với Chính phủ, hiện chỉ chờ vốn của Trung ương để khởi công tuyến đường bộ cao tốc này, tuyến đường này sớm được đầu tư sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng miền núi và đồng bằng.

Để người dám nghĩ dám làm có môi trường tốt để hoạt động, cống hiến

Đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019, ĐBQH Hoàng Văn Trà (Phú Yên) bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao những nhận định được nêu trong báo cáo của Chính phủ. Chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta và là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

 Đại biểu Hoàng Văn Trà phát biểu.

Thống nhất với các ý kiến được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, đại biểu tỉnh Phú Yên cũng đề nghị, cần đánh giá rõ hơn kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, ông Trà cũng cho rằng, các hạn chế và nguyên nhân đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ cơ bản là đầy đủ, thẳng thắn và trách nhiệm; đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khả thi và quyết liệt trong khắc phục, khơi thông các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển. “Thiết nghĩ, nếu tiến độ thực hiện tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn, khai thác sử dụng các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tài nguyên khoáng sản và tài sản công hiệu quả hơn, các công trình đầu tư từ vốn ngoài ngân sách nhất là các dự án về hạ tầng, giao thông được triển khai xây dựng và khai thác đúng kế hoạch thì chắc chắn kết quả thu được còn cao hơn, ấn tượng hơn”, ông nói.

Đề cập đến hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống, ĐB Hoàng Văn Trà cho rằng, có thể nói đây vừa là hạn chế, tồn tại nhưng cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội. Nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Hệ thống luật còn chồng chéo, không ít nội dung còn mâu thuẫn, xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các luật, giữa các điều trong một luật; chất lượng các văn bản pháp luật ban hành chưa cao.

Về nguyên tắc, luật được ban hành là có thể áp dụng được nhưng thực tế luật của chúng ta phải có nghị định và thông tư mới thực hiện được nên còn chậm, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu, vận dụng khác nhau chưa nói bị lợi dụng và lách luật.

Thực tế có việc như khi báo cáo, trình một vụ việc thì các cơ quan chức năng trích dẫn các điều trong văn bản quy phạm pháp luật để cấp thẩm quyền xem xét và quyết định nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến thì chiếu vào các văn bản, điều khoản đó thì lại kết luận là không đúng. Nhiều khi cấp dưới có khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, vận dụng văn bản pháp luật xin ý kiến thì cấp trên trả lời chung chung, nước đôi như cơ bản thống nhất với đề xuất, kiến nghị nhưng đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu loại trừ yếu tố cố tình vận dụng, lợi dụng để lách luật thì còn vấn đề chính là chất lượng, sự đồng bộ thống nhất của các văn bản quy phạm phạm pháp luật.

Từ thực tế này, ĐB Hoàng Văn Trà kiến nghị, trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2020, QH, Chính phủ cần tập trung đầu tư hơn cả về nhân lực và vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng làm luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Cũng cần có quy định rõ và cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ phải có giải pháp hữu hiệu, khả thi để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ, thu hút được những người có bản lĩnh, trí tuệ, có tâm, có tầm vào khu vực công; có cơ chế chính sách, khung pháp lý để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được trọng dụng và có môi trường tốt để hoạt động, sáng tạo và yên tâm làm việc, cống hiến.

Cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề cập đến nhiều vấn đề cần quan tâm phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu cho rằng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng tăng trưởng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, Việt Nam là nhóm nước tăng trưởng cao nhất ASEAN, kinh tế có nhiều điểm sáng.

Tuy nhiên, nếu nhìn 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

cũng nêu vấn đề thu hút FDI từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc. Ông cho rằng đây là những nguồn FDI không bền vững.

Đại biểu cho rằng động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn. Do đó, ông đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển. Đại biểu nói: "Nếu không cải cách mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tụt lại phía sau".

Rào cản lớn nhất là sự ngăn cách thông tin thị trường

Cho rằng rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp thông tin sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Theo ông, trở ngại lớn nhất đối với nông dân hiện nay không phải vốn, không phải kỹ thuật canh tác mà là chính là thông tin về thị trường. Nông dân hiện nay chỉ nhận thông tin từ đại lý thu mua, thương lái, không hề có một tư vấn nào khác về thị trường nên họ không biết chính xác cách thức sản xuất của mình có đúng quy luật thị trường hay không.

“Chừng nào thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến với nông dân thì bi kịch tiêu thụ hàng nông sản sẽ tiếp diễn, không bao giờ chấm dứt”, đại biểu nhấn mạnh và đề nghị, các ngành bằng mọi cách đưa thông tin đến tận người dân để họ quyết định vật nuôi, cây trồng cho đáp ứng nhu cầu thị trường.

Kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế. Do vậy, theo Đại biểu, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân.

Cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, mang lại thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…

Hạ tầng giao thông kìm nén sự phát triển của miền núi

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, khu vực miền núi và dân tộc thiểu số có tỉ lệ hộ nghèo nhiều nhất, tỷ lệ bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với cả nước chỉ bằng 40-50% tỷ lệ chung của cả nước, dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,27% trong tổng số hộ nghèo cả nước, chất lượng nguồn nhân lực thì thấp nhất, vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15% chưa đọc thông viết thạo, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do vùng dân tộc thiểu số miền núi chủ yếu là do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chi phí sản xuất lưu thông hàng hóa lớn nên khó thu hút nguồn lực, hệ thống chính sách phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào miền núi chưa thực sự đồng bộ, phân định đồng bào miền núi theo sự phát triển còn bất cập, phân bổ nguồn lực còn chưa hợp lý, vốn đầu tư cho sự phát triển của miền núi 5 năm qua rất thấp nhất là vốn quy hoạch đầu tư hạ tầng...

Do đó để phát triển các chủ trương, cơ chế, chính sách của đảng và nhà nước đồng thời khắc phục hạn chế nếu trên Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét một số nội dung sau: Một là, đề nghị quốc hội, bộ ngành quan tâm nghiên cứu có cơ ch<