Trực xuyên Tết lấy nước vụ Xuân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong không khí người dân Thủ đô tưng bừng đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, nhiều cán bộ, công nhân viên ngành thủy lợi vẫn phải ứng trực, theo dõi sát diễn biến mực nước trên hệ thống các sông để vận hành hệ thống công trình lấy nước gieo cấy vụ Xuân.

Công nhân trạm bơm Phù Sa vận hành lấy nước sản xuất vụ Xuân.
Chị Nguyễn Thị Thu Dung - Công nhân trạm bơm Ấp Bắc (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) cho biết, những ngày Tết, anh chị em vẫn được giao nhiệm vụ túc trực, vận hành 3/20 máy bơm dã chiến, công suất 1.100m3/giờ phục vụ lấy nước. Hiện, mực nước sông Hồng đang thấp nên không thể vận hành trạm chính. “Ngày Tết cũng không khác ngày thường là mấy…” - chị Dung cho hay. 
“Những ngày diễn ra Tết Nguyên đán, công ty vẫn tổ chức phân công cán bộ, công nhân viên ứng trực, căn cứ điều kiện nguồn nước để vận hành hệ thống trạm bơm lấy nước, bảo đảm diện tích ruộng đồng còn lại đủ nước gieo cấy” - anh Nguyễn Trung Kiểm - Trạm trưởng trạm bơm Phù Sa (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích chia sẻ. Không chỉ chị Dung, anh Kiểm, mà hàng trăm cán bộ, công nhân viên các DN thủy lợi vẫn phải túc trực xuyên Tết vận hành hệ thống lấy nước. Hầu hết các cán bộ, công nhân viên được phân công nhiệm vụ chỉ có thể tranh thủ tan ca trực để đi chúc Tết, chơi Xuân…

Theo thống kê, diện tích chưa đủ nước tại Hà Nội còn 26.788ha, bằng khoảng 27% kế hoạch gieo cấy vụ Xuân năm 2018. Các huyện có diện tích gieo cấy nhiều nhưng diện tích đủ nước thấp tập trung tại các địa phương ven sông Hồng là: Đông Anh (45,6%), Phúc Thọ (62,4%), Thạch Thất (69,7%), Quốc Oai (44,4%).

Trước diễn biến trên, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước sông Hồng tối thiểu ở mức +3,2m để hỗ trợ Hà Nội vận hành hệ thống công trình thủy lợi lấy nước. Dù vậy, theo Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích Trần Dũng Tuấn, mực nước sông Hồng những ngày qua chỉ đạt khoảng +2,2m. Điều này khiến 7/21 tổ máy bơm của trạm bơm dã chiến Phù Sa không thể vận hành do mực nước quá thấp.

Trước bối cảnh trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng phương án cụ thể nhằm bảo đảm nguồn nước cho vụ Xuân năm 2018. Cụ thể, các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai có tổng diện tích khó khăn chưa cấp đủ nước khoảng 2.000ha, thuộc vùng cấp nước của Trạm bơm Phù Sa. Hiện nay, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích đã xây dựng phương án cụ thể để cấp nước cho khu vực này sau khi kết thúc các đợt xả nước từ các hồ thủy điện (sử dụng Trạm bơm dã chiến Phù Sa: 1.500ha, hỗ trợ tưới từ hồ Đồng Mô: 500ha).

Đối với huyện Đông Anh, sẽ chủ động được nguồn nước do đã tích trữ được trong hệ thống kênh tiêu và từ trạm bơm dã chiến. Theo Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Hà, diện tích đủ nước thấp do còn nhiều diện tích cây vụ Đông chưa thu hoạch. Do đó, địa phương đang đốc thúc bà con khẩn trương thu hoạch nốt số cây vụ Đông còn lại để lấy nước gieo cấy vụ Xuân năm 2018.