“Trừng phạt Moscow đồng nghĩa với việc EU tự phá hoại mình”

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 5/9 nói rằng Moscow vẫn coi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) là bất hợp pháp.

Ngày 5/9, người phát ngôn Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng, việc EU tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga chỉ gây tổn thất và cũng chính là cách tự hủy hoại Brussels. 
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
"Hiện mọi việc đang đi quá xa. Trên thực tế, EU đang hủy hoại chính mình, vốn dĩ đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh liên quan đến Brexit và nhiều vấn đề khác" - bà Zakharova tuyên bố. 
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng với việc kéo dài thời hạn các lệnh trừng phạt chống Nga, EU không chỉ chịu những áp lực từ Washington, mà còn gia tăng áp lực trong những hợp tác năng lượng với Moscow. "Tất cả đều đang phản tác dụng với  chính EU", bà Zakharova nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lưu ý thêm rằng những quan điểm của Nga về các biện pháp trừng phạt của EU không thay đổi: phía Nga coi chúng là bất hợp pháp. 
"Tuy nhiên, quyết định nằm ở EU. Tôi nghĩ, chính họ phải tự trả lời câu hỏi, tại sao họ cần làm như vậy, và sẽ kéo dài mất bao lâu. Chúng tôi sẽ không can thiệp thêm" - bà Zakharova tuyên bố. 
Những tuyên bố của nhà ngoại giao Nga được xem là động thái đáp trả EU. Trước đó, ngày 4/9, đại diện thường trực của 28 quốc gia thành viên EU đã đồng ý kéo dài các biện pháp hạn chế đối với các cá nhân, tổ chức của Nga thêm 6 tháng. Hội đồng EU sẽ chính thức phê chuẩn quyết định này vào tuần tới. 
Lần mới đây nhất EU tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là hồi tháng 3 khi liên minh này đưa thêm 8 quan chức quân sự Nga có liên quan đến vụ đụng độ ở Eo biển Kerch vào danh sách trừng phạt. Danh sách này hiện tại bao gồm 171 người, trong đó có các công dân Nga và Ukraine cùng với 44 thực thể pháp lý.
Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu đi nghiêm trọng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine vào năm 2014 và dẫn đến việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea.
Moscow nhiều lần nhấn mạnh sự sáp nhập trên được thực hiện thông qua một cuộc trưng cầu ý dân, phù hợp với khuôn khổ pháp lý quốc tế.
Tuy nhiên, EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga và Moscow cũng đưa ra các biện pháp trả đũa tương tự./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần