Trung Quốc - Australia: Bên ứng phó, phía tận dụng

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm Australia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Australia trên nền tảng lợi ích chung mới chứ không chỉ đơn thuần tạo ra động lực phát triển mới cho mối quan hệ song phương.

Đáng chú ý hơn cả là sự đồng thuận quan điểm giữa hai nước về thúc đẩy tự do hoá mậu dịch và chống chủ nghĩa bảo hộ. Vì giữa hai nước từ tháng 12/2015 đã có thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do song phương nên họ nhằm vào Mỹ, đúng hơn thì phải nói là nhằm vào chính quyền mới ở Mỹ, và hướng tới những chuyển biến tới đây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt về hợp tác kinh tế, hoạt động đầu tư và trao đổi thương mại.
 
Sự thay đổi chính phủ ở Mỹ với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống và lên cầm quyền trước mắt không gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa Trung Quốc và Australia nói chung và trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư nói riêng. Bên này đã trở thành đối tác rất quan trọng của bên kia, đến mức họ đã tuỳ thuộc lẫn nhau ở mức độ rất đáng kể. Australia tham gia Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã ký kết nhưng ông Trump sau khi nhậm chức tổng thống ở Mỹ đã rút nước Mỹ ra khỏi TPP. Trung Quốc theo đuổi nhiều ý tưởng và kế hoạch lớn về thành lập khu vực hợp tác kinh tế và mậu dịch tư do đa phương mà trong đó điều đương nhiên là Trung Quốc chiếm vai trò trung tâm và chủ đạo. Cả hai đang cùng một số đối tác khác và ASEAN thành lập khu vực mậu dịch tự do riêng. Có thể thấy họ đồng thuận quan điểm về và có cùng lợi ích trong thương mại tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ.
Sự thay đổi chính phủ ở Mỹ làm cục diện tình hình chính trị và quan hệ kinh tế, thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ sẽ chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản. Ông Trump không chỉ đưa nước Mỹ ra khỏi TPP mà còn chủ ý thực thi chủ nghĩa bảo hộ và tập trung vào những thoả thuận song phương về mậu dịch tự do. Không có sự tham gia của Mỹ, TPP đứng trước nguy cơ về tồn tại hay không tồn tại và nếu vẫn tồn tại thì sẽ bị hạn chế không nhỏ về tầm quan trọng và phạm vi hiệu lực. TPP đặc biệt quan trọng đối với Australia vì giúp  nước này có được cái xưa nay vốn vẫn thiếu trên phương diện thoả thuận về mậu dịch tự do với các đối tác bên ngoài. Không có TPP hoặc có TPP nhưng không với sự tham gia của Mỹ đẩy Australia vào tình cảnh mới buộc nước này phải ứng phó, phải tìm cách duy trì TPP vì có vẫn hơn không đối với Australia, phải tập hợp lực lượng để cùng ngăn cản chủ nghĩa bảo hộ và hạn chế tác hại từ thoả thuận mậu dịch tự do song phương giữa Mỹ - ở thời ông Trump là Tổng thống - với các đối tác đối với Australia, cũng như càng phải thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Chính quyền mới ở Mỹ và ông Trump với những quan điểm nói trên về tự do mậu dịch và chủ nghĩa bảo hộ trong thực chất tạo ra cho Trung Quốc nhiều cơ hội mới để gây dựng và củng cố vai trò chủ đạo, trung tâm và dẫn dắt chiều hướng diễn biến tình hình trên nhiều phương diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư. Tranh thủ các đối tác, phân hoá họ với Mỹ và quảng bá cho những ý tưởng và dự án hợp tác và liên kết khu vực, châu lục và liên châu lục là những mục tiêu được Trung Quốc kiên định theo đuổi bằng nhiều hình thức khác nhau với các đối tác. Australia là một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong việc này. Có thể nói ông Lý Khắc Cường đã chọn đúng đối tác để tới thăm và đúng thời điểm và trong bối cảnh tình hình thích hợp. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần