Trung Quốc bất ngờ "dịu giọng" với Mỹ trước cuộc đàm phán quan trọng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát nhận định rằng để thể hiện thiện chí tạo ra môi trường tốt cho cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sắp tới, Trung Quốc được cho đang kiềm chế trước những căng thẳng gần đây.

Trong những tuần gần đây, Mỹ liên tiếp tung “đòn” trừng phạt nhắm vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc cũng như các quan chức ở Hồng Kông, Tân Cương, Bắc Kinh. Song phản ứng từ phía Trung Quốc dường như đang gửi tín hiệu rằng nước này muốn hạ nhiệt và tìm cách “né” leo thang căng thẳng với Washington.
Theo kế hoạch, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào ngày 15/8 tới để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được hai bên ký kết hồi tháng 1 năm nay.
Trung Quốc đang tìm cách tránh căng thẳng dồn dập leo thang với Mỹ.
Gần 7 tháng sau khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, mối quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng xấu đi liên quan đến việc xử lý dịch Covid-19, vấn đề Hồng Kông, Đài Loan của Trung Quốc, Biển Đông, việc hai nước đóng cửa các cơ quan lãnh sự quán của nhau và mới nhất là việc Mỹ cấm một số công ty công nghệ và phần mềm của Trung Quốc. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc sở hữu các ứng dụng TikTok và WeChat.
Để thể hiện thiện chí tạo ra môi trường tốt cho đàm phán, Trung Quốc được cho đang kiềm chế trước những căng thẳng gần đây. Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc Dịch Cương vừa khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ và hoàn thành cam kết mở cửa thị trường tài chính dù quan hệ song phương đang xấu đi.
Theo phân tích của Bloomberg, Trung Quốc đã không phản ứng thái quá trước các hành động dễ chọc giận Bắc Kinh như cấm ứng dụng TikTok hoặc cử quan chức cao cấp nhất của Mỹ trong 40 năm qua tới thăm Đài Loan, gặp gỡ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đầu tuần này. Thậm chí, khi Trung Quốc đưa ra quyết định trừng phạt đối với 11 quan chức Mỹ để đáp trả việc Washington trừng phạt các quan chức cấp cao Hồng Kông và Trung Quốc, Bắc Kinh hầu hết chỉ nhằm vào các thượng nghị sĩ Mỹ. Giới quan sát đánh giá rằng Trung Quốc dường như muốn tránh trừng phạt trực tiếp bất kỳ quan chức nào trong chính quyền ông Trump.
Trả lời phỏng vấn với trang tin Guancha, được đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành kêu gọi nỗ lực ngăn quan hệ Mỹ - Trung xấu đi "trong vài tháng tới" và ông sẵn sàng đối thoại với Washington "bất cứ lúc nào". Trước đó, hồi tuần trước, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng tuyên bố cánh cửa đàm phán với Mỹ vẫn còn đang mở.
Giới phân tích cho rằng sự thay đổi của Trung Quốc trong thời gian qua được xem là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dường như đang tìm cách cân bằng giữa việc “trả đũa” cứng rắn, nhưng tránh đẩy mối quan hệ căng thẳng với Mỹ tiếp tục leo thang. Theo Bloomberg, nếu Trung Quốc có thể giữ mọi việc không bị sụp đổ trước ngày 3/11, chiến lược này có thể giúp Bắc Kinh duy trì cơ hội đàm phán với bất cứ ứng viên nào chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ 2020 sau khi áp lực từ chiến dịch tranh cử đã giảm xuống.
Chuyên gia Shi Yinhong - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng tông giọng của Trung Quốc đã dịu đi nhiều trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Shi cho rằng các kêu gọi đối thoại của Trung Quốc vẫn còn mơ hồ, đồng thời dự đoán “sẽ không có gì đáng kể xảy ra trong ít nhất 6 tháng nữa”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần