Trung Quốc “cảm cúm”, thế giới “hắt xì”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc phiên đầu tiên năm 2016, một loạt thị trường thế giới đã bị kéo theo đà trượt dốc.

Hoạt động giao dịch trên hai sàn chứng khoán lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải và Thâm Quyến ngày 4/1 đã buộc phải kết thúc sớm vào lúc 13 giờ 28 phút sau khi cổ phiếu giảm 7%, thông qua cơ chế "tự ngắt" mới được áp dụng kể từ năm 2016. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử TTCK Trung Quốc, hoạt động trong ngày kết thúc sớm, đánh dấu phiên giao dịch “đen tối” nhất kể từ đợt sụp đổ của thị trường vào mùa hè 2015.

Khi công bố cơ chế “cầu dao tự động” mới vào tháng 12 năm ngoái, cơ quan chức năng Trung Quốc khẳng định hệ thống này sẽ giúp thị trường “hạ nhiệt để ngăn sự lan rộng của tâm lý hoảng loạn”, điều gây tranh cãi cho tới nay. Theo các chuyên gia, việc triển khai thiết bị ngắt mạch cũng là yếu tố đẩy cao độ “hoảng loạn” của giới đầu tư trong phiên ngày 4/1. Hệ thống này được kích hoạt ngay sau giờ nghỉ trưa, khi thị trường giảm 5%. Sau 15 phút tạm dừng, thị trường đã giao dịch trở lại. Tuy nhiên, mức giảm được đẩy lên 7% chỉ sau vài phút, khiến chiếc “cầu chì” này lại được kích hoạt lần nữa, buộc thị trường phải đóng cửa cho tới hết ngày.

Nhớ lại thời kỳ “bốc hơi” 3.900 tỷ USD của TTCK Trung Quốc hồi tháng 8 năm 2015, phải mất vài tuần sau đó, thị trường thế giới mới có phản ứng. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu năm 2016 (4/1) phiên sụt giảm khiến TTCK Trung Quốc phải đóng cửa sớm ngay lập tức, tạo áp lực lên các thị trường toàn cầu. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên với mức giảm 1,6%, trong khi S&P 500 giảm 1,5%. Đây là phiên giao dịch đầu năm tồi tệ nhất trên TTCK Mỹ kể từ năm 1932. Giá cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn lớn đều sụt giảm mạnh.

Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc ngày 5/1 đã bơm thêm 20 tỷ USD nhằm ổn định hóa TTCK và thị trường tiền tệ. Bất chấp động thái này, chốt phiên ngày 5/1, chỉ số Shanghai Composite Index của thị trường Thượng Hải giảm 0,3% số điểm.

Sóng chấn động từ tâm chấn Trung Quốc lan rộng ra các thị trường châu Á, khiến giá chứng khoán tại Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Australia… đồng loạt sụt giảm theo trong ngày 4/1. Đến phiên giao dịch ngày 5/1, giá cổ phiếu tại các thị trường châu Á tiếp tục trồi sụt thất thường. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,4% và S&P/ASX 200 của Australia giảm 1,6%. Trong khi đó, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,6% và Hang Seng của Hongkong giảm 0,7%. Qua đó, giới quan sát nhận định rõ ràng khi chứng khoán Trung Quốc “cảm cúm” thì thị trường Mỹ và thế giới cũng “hắt xì”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần