Trung Quốc có thể vượt Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất trong 5 năm tới

Nguyễn Thu (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc (CICC) dự báo với khả năng nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh hơn xuất khẩu trong những năm tới, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2022.

Các nhà nghiên cứu của CICC cho rằng mục tiêu lấy tiêu dùng làm động lực tăng trưởng kinh tế sẽ đưa Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm tới.
Từ quặng sắt đến sữa bột, các linh kiện điện tử..., Trung Quốc đang mua tất cả mặt hàng bạn có thể nghĩ đến, và điều đó sẽ nhanh chóng đưa nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu trong vài năm tới, báo cáo của CICC cho biết.
Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều hơn Mỹ từ các khu vực châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, Nam Mỹ và Đông Âu, và có khả năng sẽ thay thế Mỹ, giữ vị trí quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm tới nếu đà tăng trưởng của năm 2017 tiếp tục được duy trì, các nhà kinh tế của CICC Liu Liu và Liang Hong nhận định trong báo cáo.
CICC cho biết trong 10 tháng qua, tăng trưởng nhập khẩu bình quân hàng năm của Trung Quốc cao hơn 6 điểm phần trăm so với Mỹ.
 Công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc (CICC) dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm tới.
Trên thực tế, nếu khoảng cách này vẫn được duy trì trong năm 2018 và giảm nhẹ khoảng 0,15 điểm phần trăm trong những năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2022. 
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn nhất, và nhà nhập khẩu lớn thứ 2 trên thế giới.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước diễn biến ổn định và giá cả hàng hóa thế giới đang trên đà phục hồi, kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 10 tháng qua đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. 
Báo cáo của CICC phân tích xu hướng gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn cầu bởi nước này hiện nhà nhập khẩu lớn nhất đối với 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn so với con số 36 của Mỹ.
Trung Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và sẽ bắt đầu nhập khẩu các loại hàng hóa tiêu dùng nhiều hơn nguyên liệu công nghiệp bởi động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phụ thuộc ngày càng lớn vào tiêu dùng.
Với khả năng nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh hơn xuất khẩu trong những năm tới, ngoại thương của Trung Quốc sẽ trở nên cân bằng hơn như những gì đã thể hiện trong 2 năm qua. 
CICC dự báo thặng dư thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ sẽ chiếm khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2017, mức thấp nhất kể từ năm 1994.
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần